DƯỚI MÁI TRƯỜNG LỤC QUÂN
DƯỚI MÁI TRƯỜNG LỤC QUÂN
Trong hệ thống các học viện, nhà trường quân đội, hầu như nơi nào cũng có những cặp đôi đảm đương nhiều công việc khác nhau, nhưng là giảng viên thì có lẽ không nhiều. Họ vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn đời sánh vai nhau cùng tiến.
Thiếu tá, ThS. Đinh Thị Thủy Bình, giảng viên khoa Lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (gọi tắt là khoa Lý luận) của Trường Sĩ quan Lục quân 2 là một trong những trường hợp ấy. Sinh trưởng trong một gia đình mà chủ đạo là bộ đội và giáo viên ở xã Đức Thanh (nay là xã Thanh Bình Thịnh) huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cô ít nhiều được thừa hưởng những nét trội… Nếu xứ Kinh Bắc có rượu Làng Vân nức tiếng được coi là danh tửu, thì làng quê của Bình cũng có rượu nồng Thanh Lạng từ bao đời nay làm say lòng người. Những tưởng lớn lên từ đồng đất lúa, thì cô học trò nghèo sẽ nộp đơn thi vào trường nông nghiệp hay sư phạm gì đó. Nhưng không. Là em út, được sự dẫn dắt và hướng nghiệp từ sớm của người anh cả (Đinh Hồng Quân, hiện là Đại tá, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 7), Bình mạnh dạn Nam tiến, nộp đơn thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau 4 năm miệt mài học tập, tốt nghiệp Cử nhân Triết học, chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học (CNXHKH), năm 2006, Đinh Thị Thủy Bình được Trường Sĩ quan Lục quân 2 tuyển dụng. Đây là một trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy phân đội binh chủng hợp thành. Từ dân sự chuyển sang môi trường học thuật quân sự, có biết bao điều mới lạ, bỡ ngỡ. Nhưng “lối đi ngay dưới chân mình”, nhớ đến truyền thống gia đình, tự hào về người cha từng là người lính thời đánh Mỹ, rồi tấm gương của hai người anh bộ đội, đặc biệt là người mẹ và chị gái thứ tư đều làm nghề giáo, khiến Bình thêm tự tin hòa nhập. Từ năm 1998, Nhà trường đào tạo trình độ đại học, tháng 9-2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trường Đại học Nguyễn Huệ trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Lục quân 2, do vậy, nhu cầu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên đặt ra hết sức cấp thiết.
Giống như một “tân binh” vừa nhập ngũ, Thủy Bình chú ý rèn tập từ những điều nhỏ nhất, nắm vững các chế độ quy định… Khiêm nhường học hỏi kinh nghiệm các đồng nghiệp đi trước, cô tiếp cận công việc và mau chóng làm quen. Bấy giờ, cùng khoa có Chu Minh Quốc, quê ở mạn Yên Dũng (Bắc Giang) tốt nghiệp Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội về nhận công tác từ 2 năm trước. Tình đồng nghiệp, tình bạn chân thành, nẩy sinh tình cảm lứa đôi. Đến năm 2007, thì hai người về chung một nhà. Vui duyên mới, nhưng họ không quên ngoéo tay “giao kèo” phấn đấu.
Ngày ngày sánh bước lên giảng đường, hướng đến tương lai gắn bó lâu dài, cặp vợ chồng trẻ đề đạt nguyện vọng được tiếp tục học lên. Dĩ nhiên, học là việc suốt đời, song cần phải tranh thủ “bứt tốc” khi còn trẻ, chưa vướng bận con cái. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, cũng như lãnh đạo khoa Lý luận đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên nâng cao trình độ, có học vị xứng tầm. Vào năm 2012, chỉ mình Quốc “đắc cử” ra Học viện Chính trị học tập. Trong hoàn cảnh kinh tế còn ngặt nghèo, nếu vợ chồng được cùng đi sẽ có điều kiện hỗ trợ cho nhau. Nhưng khi nhận được lời khuyên chân tình là hãy suy nghĩ cho thấu đáo một chút, vì tổ chức cũng có cái khó trong sắp xếp, bố trí nhân sự. Hiểu vấn đề, Thủy Bình chấp nhận lùi lại và lao vào công việc. Năm sau, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp khoa, nguyện vọng của cô thành hiện thực. Khi chàng bước vào học chính khóa thì đến lượt nàng đưa con trai đầu lòng (3 tuổi) ra ôn thi. Nhà cửa trong khu làng lính Lục quân gửi lại cho một người em trông nom. Vợ chồng đều là QNCN, đồng lương eo hẹp, nên việc quyết chí theo đuổi học hành là rất đáng nể; họ cứ phải chắt chiu co kéo để vừa trang trải sinh hoạt, vừa lo học tập và nuôi con, ấy là chưa kể “ba chốn bốn quê” nữa…
Nhận bằng Thạc sĩ trở về, cả hai vợ chồng, người năm trước, người năm sau đều được Nhà trường đề nghị chuyển ngạch sĩ quan chỉ huy. Sẵn đà phấn đấu, một thời gian sau, Quốc tiếp tục thi nghiên cứu sinh. Lần này, Thủy Bình vui vẻ “giữ gôn” cho anh “xã” yên tâm đèn sách. Trong năm 2021, người bạn đời bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ; khi chồng “vinh quy” thì vợ được công nhận là giảng viên chính. Tháng 9-2022, TS. Chu Minh Quốc có quyết định làm Chủ nhiệm Bộ môn CNXHKH khoa Lý luận của Nhà trường.
Thông thường các môn lý luận vốn dĩ rất khô khan và trừu tượng, nếu giảng viên không chịu khó tìm tòi, đổi mới thì hiệu quả môn học sẽ rất thấp. Là bộ môn khoa học xã hội, dĩ nhiên, nó đòi hỏi phải được đối xử khoa học, hệ thống và logic. Với lòng yêu nghề, cô giáo Thủy Bình thường lo chuẩn bị giáo án, cập nhật thông tin đa chiều, nêu vấn đề khơi gợi, giúp người học có tư duy phù hợp. Nhờ học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước và quan trọng là từ kiến thức nền tích lũy được của những năm học đại học đã rèn tập cho cô tác phong đào sâu, nên các tiết giảng thường gây được hứng thú cho học viên. Bốn năm liên tục (2020-2023), Bình được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai chức năng song hành của một giảng viên, mặt này hỗ trợ, tác động mặt kia và ngược lại. Ngoài giờ lên lớp, Thủy Bình thường vào Thư viện Nhà trường đọc sách báo, tìm kiếm các tài liệu liên quan phục vụ cho việc bổ sung, làm phong phú thêm bài giảng, đặc biệt là rèn tập nếp nghiên cứu khoa học. Đến nay, ThS. Đinh Thị Thủy Bình tham gia và chủ biên 03 đề tài cấp trường, 01 đề tài cấp cơ sở, có 20 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài quân đội. Một sự nỗ lực phấn đấu rất đáng ghi nhận.
Hoạt động tích cực, đấu tranh có hiệu quả, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khoa Lý luận của Trường Sĩ quan Lục quân 2 được nhiều đơn vị bạn, đặc biệt là một số trường đại học bên ngoài biết tiếng và đánh giá cao. Đơn cử như Trường Chính trị Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội thảo “Cách mạng Tháng Mười Nga và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, hay Trường Đại học Thủ Dầu Một có hội thảo “Giá trị đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh đối với công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay”… Thủy Bình đều có bài tham luận.
Hiện cô có 55 bài tham dự các hội thảo khoa học, có hơn 100 bài viết trên trang “Lực lượng 47”; đồng thời viết nhiều tin, bài đăng trên website và Đài truyền thanh Nhà trường; cô tham gia và chủ biên 06 tài liệu cấp trường, cấp khoa. Tháng 7-2020, Đinh Thị Thủy Bình được nhận bằng khen của Tổng cục Chính trị (TCCT) về thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên Internet.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, công tác hội và phong trào phụ nữ, là một kênh đem lại sự gắn kết giữa chị em, đặc biệt là các đồng nghiệp. Được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội phụ nữ khoa, Bình cùng tập thể Ban chấp hành căn cứ vào tình hình thực tế, để tổ chức các hoạt động phù hợp. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu, cả khoa có 14 nữ giảng viên, thì đã có 13 Thạc sĩ và 01 cử nhân. Hầu hết chị em đều có quân hàm sĩ quan cấp tá và 01 cấp úy. Cán bộ, hội viên đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ từ chuyên môn đến nuôi dạy con cái. Nhiều năm, Thủy Bình đạt danh hiệu cán bộ phụ nữ giỏi với thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào phụ nữ và công tác Hội.
Với sự nỗ lực phấn đấu, 03 năm liền (2019-2022) Thiếu tá Đinh Thị Thủy Bình được bầu là Chiến sĩ thi đua cơ sở; 03 năm là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 04 lần được nhận bằng khen của Bộ Quốc phòng, TCCT và của Nhà trường; 15 lần được tặng giấy khen. Năm 2023 là một năm đáng nhớ của cặp đôi cùng tiến này. TS. Chu Minh Quốc - Chủ nhiệm Bộ môn CNXHKH được thăng quân hàm Trung tá, còn Thiếu tá ThS. Đinh Thị Thủy Bình nhận Giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23. Ngày 23-6-2023, trong Hội nghị sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai, trái thù địch trong tình hình mới” cặp đôi Thủy Bình - Minh Quốc được Ban Giám hiệu Nhà trường trao chứng nhận cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai (giải Khuyến khích).
Ngày 28-7-2023, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 của Trường Sĩ quan Lục quân 2, Thiếu tá Đinh Thị Thủy Bình vinh dự được đón nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân” vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phòng trào thi đua Quyết thắng từ năm 2020 đến năm 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, vào trung tuần tháng 8-2023, Thủy Bình vừa được nhận giải B toàn quân, cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3. Bài viết của cô có tựa đề: “Đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay”. Đó là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực lao động sáng tạo và phấn đấu tu dưỡng không ngừng của một nữ giảng viên khoa Lý luận, người trưởng thành dưới mái trường Lục quân thân yêu.
NGUYỄN LAN CHI
Ảnh: NVCC