ĐIỀU KIỆN NGHỈ HƯU ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC NẶNG NHỌC
Điều kiện nghỉ hưu đối với lao động làm việc nặng nhọc
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, lao động hợp đồng, làm việc tại một doanh nghiệp Quân đội, hỏi: Tôi sinh tháng 3-1970, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là 26 năm, trong đó có 17 năm 9 tháng làm nghề khai thác mỏ hầm lò. Vậy đến tháng 6-2023, tôi có đủ điều kiện nghỉ hưu không?
Trả lời: Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 219, Bộ luật Lao động sửa đổi Điều 54, Luật BHXH, thì: Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò thì được nghỉ hưu với mốc tuổi có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường quy định tại khoản 2, Điều 169, Bộ luật Lao động.
Về tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2, Điều 169, Bộ luật Lao động: “Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035”.
Như vậy, mốc tuổi nghỉ hưu đối với người làm công việc khai thác than trong hầm lò trong năm 2023 của nam là 50 tuổi 9 tháng, nữ là 46 tuổi.
Trường hợp của đồng chí Tiến, tính đến tháng 6-2023, có tuổi là 53 tuổi 2 tháng và có 26 năm đóng BHXH, trong đó có 17 năm 9 tháng làm công việc khai thác than trong hầm lò. Đối chiếu với quy định nêu trên, đồng chí Tiến đủ điều kiện nghỉ hưu.