ĐÁM CƯỚI GIỮA MÙA XUÂN
ĐÁM CƯỚI GIỮA MÙA XUÂN
Cùng với các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19, nhiều y, bác sĩ trẻ của Bệnh viện Quân y 175 (Bv. 175) đã dồn sức lực và tâm trí để thực hiện sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc. Họ tình nguyện tạm gác lại mọi công việc, kể cả hạnh phúc riêng, để sát cánh cùng đồng nghiệp không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, tất cả vì sự bình an của người dân.
Chống dịch trên hết
Tháng 6-2021, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc mới ngày càng tăng, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của người dân. Trước tình hình mới, Thượng úy QNCN Phan Văn Phú - Kỹ thuật viên, Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bv. 175), đã bàn với gia đình và vợ sắp cưới, chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyền - Điều dưỡng, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (cùng bệnh viện) hoãn ngày vui, để tình nguyện tham gia chống dịch tại Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19.
Không lâu sau đó, chị Tuyền cũng xung phong lên tuyến đầu. Khi bệnh viện chung sức cùng thành phố chống dịch, các thầy thuốc đều tập trung cao độ cho chuyên môn với một hướng đi duy nhất là chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Là một điều dưỡng, không thể đứng ngoài cuộc nên chị xung phong vào tâm dịch để cùng đồng nghiệp chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Còn anh Phú cảm nhận rất rõ những nguy hiểm, nhưng hiểu được tâm nguyện của hôn thê, anh đồng ý để cô ấy ra tuyến đầu. Dù chống dịch cùng một nơi nhưng họ chỉ nhìn thấy nhau từ rất xa, qua những sợi dây ngăn cách. Và hạnh phúc chính là sự cho đi...
Dù đã chuẩn bị lễ thành hôn vào tháng 6-2021 nhưng Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng và chị Lê Thị Linh - dược sĩ (Phòng khám Đa khoa Nhân Đức 3) vẫn quyết định ưu tiên chống dịch. Bác sĩ Dũng lên tuyến đầu tại Bệnh viện Quân y 175, còn chị Linh làm nhiệm vụ tại khu ký túc xá Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh do Bệnh viện Lê Văn Thịnh phụ trách.
Từ cuối tháng 7-2021 đến hết tháng 9-2021, dược sĩ Linh hoàn thành nhiệm vụ, còn vị hôn phu của chị thì vẫn mải công việc ở cơ quan. Những ngày xa cách, chống dịch, vì nhiệm vụ ca kíp lệch giờ và phải mặc đồ bảo hộ nên hai người rất ít khi cầm điện thoại để liên lạc. Những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, họ chỉ kịp gửi tin nhắn cho nhau. Quả thật, khi đột ngột hoãn cưới, chị Linh có chút hụt hẫng và lo lắng cho tương lai. Song nhìn rộng ra, thời điểm đó người dân rất cần những người thầy thuốc. Không chỉ vậy, anh Dũng còn là người lính, nên họ cùng động viên nhau vượt lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thấy bệnh nhân được chữa trị khỏi và được trở về nhà, đó là niềm hạnh phúc của cả anh và chị.
Một cặp đôi khác, Trung úy QNCN Hà Thị Kim Phúc và Thiếu úy QNCN Hoàng Văn Huy, đều là điều dưỡng (Bv. 175). Gia đình hai bên ấn định ngày cưới là 18-7-2021. Thực hiện mệnh lệnh chống dịch, bấy giờ anh Huy được điều động sang khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19, còn chị Phúc vẫn ở khoa cấp cứu tại bệnh viện. Họ chỉ “gặp nhau” qua tin nhắn điện thoại. Những lúc mệt mỏi, mỗi người đều nhìn vào công việc và những bệnh nhân đang cần để động viên nhau cố gắng. May mắn là bố mẹ hai bên đều làm trong ngành y nên luôn là điểm tựa giúp anh chị cùng dấn bước.
Trường hợp Trung úy QNCN Trần Văn An và Trung úy QNCN Bùi Thị Hoài Thu, đều là Điều dưỡng viên (Bv.175). Họ là những y, bác sĩ đầu tiên được cử tham gia Bệnh viện dã chiến số 1 (BVDC.01) của Việt Nam ở Nam Sudan (10-2018). Bồi hồi, anh An kể, khi làm nhiệm vụ ở BVDC.01, chúng tôi có một khoảng thời gian thật ý nghĩa. Công việc vất vả, vật chất thiếu thốn nhưng tất cả các thành viên đều sống chan hòa và coi nhau như người thân. Mọi người chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều lúc đồ ăn không được như ý, Hoài Thu đã tế nhị giúp tôi. Cảm động và trân trọng, rồi cảm mến. Sau khi về nước, tôi cầu hôn và nhận được cái gật đầu của Thu.
Đăng ký kết hôn xong (3-2020), hai người dự kiến 5 tháng sau thì làm lễ cưới. Tình yêu của họ đã đơm hoa, kết trái. Nhưng rồi dịch giã cứ tăng dần cấp độ, nên thời gian cứ lùi mãi, dự tính vào tháng 8-2021. Lần này, Thành phố Hồ Chí Minh vào đỉnh dịch thứ 4, nên ngày vui tiếp tục hoãn. Anh An bận tham gia chống dịch, “cắm” tại trung tâm điều trị Covid-19 của Bv.175, còn chị Thu ở nhà chăm con nhỏ. Nghĩ “dở khóc dở cười” khi con lẫm chẫm biết đi mà bố mẹ vẫn chưa tổ chức được lễ cưới. Tối 20-2-2022, anh chị dẫn con đến cùng dự lễ cưới, xúc động và hạnh phúc! Họ đặt tên con là Nam Đăng (Việt Nam - Nam Sudan) kỷ niệm về khoảng thời gian cùng làm nhiệm vụ ở xứ người và luôn nhắc nhớ về chặng đường đã đi qua.
Vượt lên khó khăn, thử thách giúp các cặp uyên ương vun đắp thêm những giá trị sống đẹp và yêu thương nhau nhiều hơn. Và cuối cùng, ngày vui đã tới.
Ngày hạnh phúc đặc biệt
Tối 20-2-2022, không còn là bộ đồ bảo hộ kín bưng hay chiếc áo blouse trắng, các cặp uyên ương trong bộ đồ cưới lịch lãm, duyên dáng để cùng nắm tay nhau cùng xây đắp hạnh phúc tương lai. Để chuẩn bị cho đám cưới tập thể của 20 cặp đôi, công tác chuẩn bị đã được lãnh đạo Bv.175 và các đơn vị đồng hành triển khai từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Không chỉ là một đám cưới lung linh và ý nghĩa, mà còn là chương trình nghệ thuật ấn tượng truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa tới cộng đồng với chủ đề “Mạch sống”.
Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết: Đây là lời tri ân dành cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đã gác lại hạnh phúc riêng để cùng chống dịch Covid-19. Điểm nhấn của chương trình còn là những tiết mục thể hiện hoạt động của Bv.175 thời gian qua trong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bảo đảm y tế cho huyện đảo Trường Sa. Trên mỗi chiếc áo dài của cô dâu thể hiện hành trình của các y bác sĩ đã có mặt tại những điểm nóng nhất như tuyến đầu chống dịch, cấp cứu biển đảo, phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan… Thông qua hình ảnh này, Ban tổ chức mong muốn thể hiện sự hân hoan mở cửa để đón nhận cuộc sống bình thường mới, cũng là lời ước nguyện về tương lai, hạnh phúc và tri ân sự hy sinh quên mình của các chiến sĩ áo trắng.
Đại tá Trần Quốc Việt - Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 bày tỏ: Các y, bác sĩ của chúng tôi đã gác lại những vui buồn, lo toan... kể cả hạnh phúc riêng để xông vào tâm dịch, chăm sóc bệnh nhân, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Sự dấn thân này đã làm lay động hàng triệu con tim. Khi cuộc sống trở lại bình thường, họ xứng đáng được hưởng niềm vui trọn vẹn. Thông điệp lớn nhất của lễ cưới tập thể này là sự tri ân của xã hội đối với sự cống hiến, sự hy sinh của các cán bộ, nhân viên, y bác sĩ trẻ.
Cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, nguy hiểm của dịch bệnh, những thầy thuốc trẻ đã có một lễ cưới thật ý nghĩa, đánh dấu ngày chung đôi đặc biệt ngay tại đơn vị công tác. Mỗi cặp đôi là một câu chuyện riêng nhưng tựu trung lại là sự cống hiến hết mình vì sức khỏe cộng đồng. Có thể coi đây là một nét đẹp văn hóa, tôn vinh và những người thầy thuốc, khích lệ họ vững bước trên con đường đã chọn, làm sáng đẹp hình ảnh người thầy thuốc “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Chúc các anh chị cùng nắm chặt tay nhau trên con đường hạnh phúc!
Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC - ĐỘC LẬP