CHUYỆN NỮ QUÂN NHÂN
CHUYỆN NỮ QUÂN NHÂN
Khi ở trên thao trường nắng lửa, hay lúc trở về nhà dịu dàng vén khéo chăm lo cho gia đình thì các nữ quân nhân vẫn luôn là bến bờ yêu thương, là “điểm tựa” cho chồng con. Các chị thầm lặng vun đắp cho hạnh phúc, thu xếp vẹn toàn việc nhà để hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị. Hoạt động trong môi trường kỷ luật, chị em không hề mất đi nét dịu dàng, đảm đang vốn có, mà vẫn khắc họa rõ nét phẩm cách của người phụ nữ Việt Nam.
Trong quân ngũ, các chế độ tập luyện của nữ giới gần như không có gì khác so với nam giới, đòi hỏi chị em phải có thể chất đủ đáp ứng được nhu cầu của các bài huấn luyện đặt ra. Bên cạnh đó là những công việc không tên đang đợi các chị ở nhà. Giữa bộn bề công tư, họ vẫn làm tròn chức phận giữ cho nếp nhà bình yên, căn bếp ấm, dạy dỗ con cái.
Phần lớn các nữ quân nhân đều có bạn đời là bộ đội nên điều may mắn họ nhận được là sự cảm thông, sẻ chia từ chồng, dù thử thách trong cuộc sống không ít. Đâu phải chiến tranh mới có đợi chờ, lúc ấy vắng người này người kia sẽ vừa làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm chủ gia đình.
“Nhà mình bộ đội hai người
Lúc nào cũng rộn tiếng cười tươi vui”.
Vợ chồng chị Phan Thị Linh đều ở Lữ đoàn Thông tin 575, Quân khu 5. Thời gian làm việc theo quy định của quân đội. Anh làm nhiệm vụ tận bên Lào, chị là lính thông tin gần nhà. Hai lần chị sinh con là hai lần anh nhận nhiệm vụ quan trọng, không thể về cùng vợ. Chị kể hai lần “vượt cạn” đều sinh khó. Trong chập chờn mê tỉnh, chị vẫn cảm nhận được bàn tay anh nắm lấy tay mình, nghe tiếng con khóc… Chị ráng tỉnh dậy. Biết anh ấy thương vợ con lắm nhưng không thể rời nhiệm vụ. Vợ chồng bộ đội thì hẳn vất vả rồi. Con nhỏ thì nhờ ông bà nội ngoại, nhưng cũng không thể phiền mãi được. Mọi thứ hối hả từ lúc mở mắt thức dậy chuẩn bị bữa sáng cho con ăn rồi cho con đi học. Trước khi đi làm, cắm sẵn nồi cơm. Chiều về, ba mẹ con quây quần bên mâm cơm, tối vào cơ quan trực.
Tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Như Liên cùng ở Lữ đoàn Thông tin 575, nhưng ở hai bộ phận khác nhau nên “lệch” về chế độ, giờ giấc sinh hoạt, học tập. Nhiều lúc, phải gửi con nhỏ để cùng đi sinh hoạt. Có những ngày con ốm, gửi không được, nghỉ không xong đành mang con vào đơn vị. Cũng có lúc cả vợ lẫn chồng đều đi công tác xa nhà, con cái gửi hai bên nội ngoại, thương lắm nhưng nhiệm vụ trên hết. Vợ chồng cứ phải động viên nhau…
Trọn hai vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, các nữ quân nhân sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt thòi để gia đình được ấm êm, công việc được hoàn thành. Đến với đời binh nghiệp, mỗi người một con đường, song có một điểm chung ở chị em là tình yêu màu xanh áo lính. Vì màu áo ấy, họ viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ.
Đời thường của nữ quân nhân cũng giống như bao nhiêu phụ nữ khác. Có khác chăng, họ được rèn giũa từ rất sớm, nên nhìn cuộc đời bao dung, chín chắn và điềm đạm hơn. Bản lĩnh và nghị lực sống của họ trở thành điểm tựa cho nhiều người. Và chị em đã góp phần tô thắm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của Phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Bài và ảnh: Thương Huyền