CẶP ĐÔI CỰU CHIẾN BINH
CẶP ĐÔI CỰU CHIẾN BINH
Quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, cô Thái Thị Thành tham gia kháng chiến khi 16 tuổi. Nhiệm vụ của cô là thu mua gạo, muối, thuốc men từ đồng bằng đưa lên Cục Chính trị Quân khu Trị - Thiên (đóng tại huyện miền núi A Lưới). Nhà có 7 anh chị em tham gia kháng chiến, người em út 14 tuổi cũng theo chị lên rừng phục vụ chiến đấu rồi vào bộ đội chủ lực. Chiến tranh khốc liệt, chỉ từ năm 1969 đến 1972, cô Thành lần lượt nhận 5 tin dữ: 2 anh và 1 em trai, 1 em gái và 1 người cháu hy sinh. Những mất mát tưởng chừng quá sức chịu đựng của cô gái trẻ…
Thời gian học tập và công tác tại Đội điều trị 82, cô Thành thầm thương người Đội trưởng Đội phẫu là Trần Ngọc Phan, quê Ninh Bình. Tính cách thẳng thắn của người con gái miền Trung quen với nắng gió, trái với vẻ điềm đạm, nhã nhặn của người con trai đất Bắc. Khi ấy, cô Thành là người của Cục Chính trị, còn chú Phan ở Cục Hậu cần. Sự trái ngược tính cách đã đưa họ đến với nhau. Đám cưới hai người được tổ chức ngay giữa rừng Khe Sanh vào cuối năm 1973.
Sau đó, cặp đôi được cử ra Bắc. Trần Ngọc Phan đi học nâng cao trình độ, còn Thái Thị Thành đi học điều dưỡng rồi về công tác tại Phòng Hậu cần, Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần. Những năm đầu, khó khăn bộn bề, cuộc sống vất vả, con cái nhỏ dại, bố mẹ tuổi cao sức yếu, mỗi lúc trái gió trở trời, người vợ bị vết thương cũ hành hạ khổ sở. Họ động viên nhau, phải tự vươn lên để cải thiện cuộc sống. Bên cạnh tình yêu thương lớn lao mà họ dành cho nhau còn có ý chí và bản lĩnh vững vàng của người lính luôn kiên trì phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ mà quân đội giao phó và xây dựng cuộc sống gia đình ổn định. Cùng trải qua chiến tranh, cùng chịu mất mát, hy sinh, cô Thành và chú Phan trân trọng hơn những gì mình đang có và quyết tâm vượt qua gian khó để xây dựng hạnh phúc gia đình. Khi đã lên ông, lên bà, có cháu nội, cháu ngoại đủ đầy, cô chú thường tự hào kể lại một thời tuổi trẻ đáng nhớ, tự hào về một tình yêu thủy chung son sắt mà cô chú dành cho nhau.
Sống là hướng tới tương lai, nhưng đối với những người đã trải qua chiến tranh thì không mấy ai quên quá khứ, vì những ký ức trong chiến đấu đã tiếp thêm cho họ niềm tin để sống tốt hơn với hiện tại. Dù nửa thế kỷ đã trôi qua, đồng đội người còn người mất nhưng nghĩa tình vẫn không hề phai nhạt. Mỗi lần gặp mặt, những cựu chiến binh như ông Phan, bà Thành vẫn đau đáu nỗi niềm mong tìm được phần hài cốt đồng đội nơi chiến trường xưa. Hành trang của họ chỉ có chiếc máy ảnh và sơ đồ phần mộ của liệt sĩ, tấm bản đồ cùng hồ sơ ghi chép thông tin liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Và không thể thiếu những loại thuốc đề phòng đau ốm khi trở lại vùng rừng thiêng nước độc năm xưa.
Lội suối, luồn rừng, cơm nắm, họ đi tìm đồng đội. Mùa mưa, nước lũ dâng cao hung dữ, mùa khô, nắng bỏng rát. Nhưng bàn chân hai người lính già vẫn âm thầm xuyên rừng... Có chuyến họ phải về tay không nhưng chưa bao giờ ông bà nản và bỏ cuộc. Hành trình ấy 8 năm tròn.
Ai đủ bản lĩnh đi qua giông bão đều xứng đáng đến được với bến bờ bình yên. Ai đủ yêu thương và mạnh mẽ đều xứng đáng hưởng hạnh phúc, điều này thật đúng với cuộc đời của Đại tá Trần Ngọc Phan và Thượng úy Thái Thị Thành. Trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, sống giữa thời bình, ông bà càng trân trọng hơn những giây phút bên nhau, cùng bù đắp cho nhau sau những ngày xa cách, để hạnh phúc tròn đầy.
NGÂN GIANG
Ảnh: NVCC