BÔNG HUỆ Ở TRUNG PHI
BÔNG HUỆ Ở TRUNG PHI
Dù mới chỉ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc từ năm 2014, nhưng Việt Nam đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp trên trường quốc tế với đội ngũ cán bộ, sĩ quan nhiệt huyết, chuyên nghiệp, thích ứng nhanh với điều kiện hoàn cảnh. Đóng góp vào thành tích đó phải kể đến những nữ quân nhân. Bên cạnh tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung của Liên hợp quốc (LHQ), chị em đang thổi một làn gió tươi mới vào hoạt động GGHB. Tại quốc gia Cộng hòa Trung Phi, khi nói về Việt Nam, nhân viên GGHB Phái bộ MINUSCA và người dân bản địa thường nhắc đến nữ sĩ quan truyền thông, Đại úy Trần Thị Huệ với tất cả sự trìu mến.
Theo chân chị Huệ vào những ngày cuối tháng 5-2023 trong một hoạt động nhân đạo do Bệnh viện dã chiến cấp 2 Serbia tổ chức tại Trại trẻ mồ côi Maria Teresa, thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi, chứng kiến hình ảnh nữ quân nhân Việt Nam mảnh mai với ánh mắt tràn đầy năng lượng tích cực và nụ cười thường trực trên môi. Nắng, gió châu Phi và sự thiếu thốn của đời sống sinh hoạt vật chất có thể làm khuôn mặt chị xạm đi, gầy hơn một chút, nhưng không hề làm giảm đi sự tự tin và nhiệt huyết.
Công việc của một Sĩ quan truyền thông đòi hỏi sự năng động và phải di chuyển nhiều. Có tuần, chị Huệ di chuyển hàng trăm km bằng ô tô, mà hạ tầng giao thông ở Trung Phi rất kém, hễ mưa là đường sá bị ngập, ô tô chết máy hoặc sa lầy là chuyện thường tình. Chị bảo, thật may khi công tác tại Phòng Truyền thông Phái bộ, có cơ hội được đi nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động nhân đạo do Phái bộ tổ chức. Chỉ là những hành động giúp đỡ nhỏ bé thôi, nhưng giúp chị có thêm niềm vui, thêm yêu quý nhiệm vụ GGHB.
Từng là giảng viên của Khoa Ngoại ngữ, Học viện Hậu cần, Đại úy Trần Thị Huệ luôn tự tin giao tiếp với đồng nghiệp quốc tế và đội ngũ phiên dịch viên bản địa. Dẫu vậy, khó nhất vẫn là rào cản ngôn ngữ, bởi người dân ở đây nói tiếng Sango và tiếng Pháp. Để tiếp cận và thấu hiểu hơn đời sống người dân, chị quyết định học ngôn ngữ bản địa. Với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp địa phương, giờ đây chị Huệ có thể sử dụng những câu giao tiếp cơ bản để nói chuyện với người dân. Cũng chính nhờ vậy mà đôi chân của chị vững vàng, tự tin hơn, khi đi sâu vào từng hộ gia đình để tuyên truyền về bình đẳng giới (BĐG), kế hoạch hóa gia đình, tác hại của tảo hôn và sinh con ở độ tuổi vị thành niên, tầm quan trọng của việc trẻ em đến trường, kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, v.v…
Chị Huệ cùng đồng nghiệp tuyên truyền, vận động người dân bản địa thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nâng cao nhận thức, cách phòng, chống các hành vi xâm phạm tình dục cho bé gái và phụ nữ. Bằng sự nhạy cảm và tấm lòng nhân hậu của mình, mỗi lần đến với người dân, chị dành sự quan tâm đặc biệt cho các bà mẹ trẻ mới chỉ 15, 16 tuổi - những nạn nhân tảo hôn, bóc lột và lạm dụng tình dục.
Cởi mở, chân thành, Đại úy Trần Thị Huệ duy trì mối quan hệ tốt với các phòng, ban, đơn vị của Phái bộ nhằm hỗ trợ, cung cấp các loại thuốc, vật phẩm y tế, thực phẩm, thiết bị vệ sinh và đồ gia dụng thiết yếu cho người dân trong mỗi chuyến công tác. Ngoài việc tư vấn cho họ biết cách vệ sinh thân thể, làm sạch môi trường sống để tránh dịch bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt rét và các bệnh đường hô hấp, chị còn trực tiếp vào bếp hướng dẫn phụ nữ cách chế biến những món ăn ngon...
Mỗi lần nhìn thấy captain Huệ ghé thăm, trẻ em lại hò reo vì sắp được thưởng thức các món ngon. Sau khi hoàn thành công việc, chị Huệ thường nán thêm một chút để chơi cùng trẻ nhỏ, hướng dẫn các em làm đồ chơi từ các vật dụng đơn giản như gấp hạc giấy, gấp máy bay, làm ô tô từ vỏ chai nhựa; dạy bảng chữ cái tiếng Anh, một số câu giao tiếp tiếng Anh cơ bản, vẽ những ngôi nhà, ngôi trường, v.v… Những việc làm giản dị nhưng chan chứa tình cảm trìu mến của người phụ nữ Việt Nam dành cho các em nhỏ ở lục địa đen.
Giờ đây, câu “Xin chào Việt Nam” trở thành phổ biến đối với nhân viên GGHB Phái bộ MINUSCA và người dân Trung Phi khi gặp các quân nhân Việt Nam. Bởi vậy, chị Huệ và đồng đội ở Phái bộ luôn nhận được những cái bắt tay thân thiện, nụ cười rạng rỡ của người dân hay những tiếng reo vui của trẻ nhỏ. Tại những nơi mà chị Huệ ghé qua, nữ giới được đối xử bình đẳng hơn, được tham gia vào các tổ chức đoàn thể; trẻ em được đến trường, được vệ sinh thân thể, chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Ghi nhận những đóng góp của nữ sĩ quan Việt Nam đối với hoạt động GGHB và cộng đồng địa phương, ngày 15-5-2023, Đại úy Trần Thị Huệ được Chỉ huy Phái bộ trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp GGHB LHQ, cho những nỗ lực phi thường, sự tận tâm, tận lực của nữ sĩ quan truyền thông Phái bộ MINUSCA.
Đất nước Trung Phi vẫn còn tình trạng bất bình đẳng, bóc lột và lạm dụng tình dục, người dân đương đầu với đói nghèo, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, nội chiến tranh giành quyền lực, nhiều trẻ nhỏ chưa được đến trường, thậm chí bị cưỡng ép trở thành chiến binh. Nhưng với tinh thần trách nhiệm của người lính mũ nồi xanh, mang trong mình những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam hiện đại và khát vọng hòa bình, Đại úy Trần Thị Huệ sẽ tiếp tục hành trình nhân đạo giúp đỡ người dân bản địa, chia sẻ với những khó khăn của họ, làm dịu bớt những xung đột, căng thẳng; góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam sáng đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Bài và ảnh: Minh Đan – Huy Trường