BÌNH ĐẲNG GIỚI, THỂ HIỆN TÍNH ƯU VIỆT CỦA CHẾ ĐỘ TA
Bình đẳng giới, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta
Hải Vân
Bình đẳng giới là một nội dung cốt lõi, thu hút sự quan tâm của nhiều giai tầng trong các thể chế chính trị khác nhau và toàn thể nhân loại nói chung. Bình đẳng giới không chỉ phản ánh mối quan hệ về giới đơn thuần mà còn là vấn đề chính trị, xã hội trên phạm vi toàn cầu và còn phản ánh mối quan hệ gia đình gắn với mỗi nền văn hóa.
Hiện nay, một số tổ chức, cá nhân tập hợp những biểu hiện cá biệt để dàn dựng nên hình ảnh bóp méo hình ảnh đất nước Việt Nam đối với lĩnh vực bình đẳng giới. Điều đó hoàn toàn trái ngược với thực tế sống động ở nước ta, nơi quyền con người, nhất là vấn đề bình đẳng giới luôn được bảo đảm. Công luận cần kịp thời lên tiếng khách quan, trung thực; phê phán những động cơ sai trái, cách nhìn lệch lạc dưới mọi góc độ. Điều quan trọng là luôn phải giữ quan điểm và thái độ tôn trọng sự thật, không nên tùy tiện đánh giá sự vật thông qua những hiện tượng cá biệt và đơn lẻ. Có như vậy, mới góp phần tích cực nâng cao trình độ bình đẳng giới ở Việt Nam.
Những năm qua, không thiếu nội dung trong các bản “Báo cáo nhân quyền” thường niên của Mỹ; nhiều cái gọi là “tham luận” của một số tổ chức, cá nhân trên các diễn đàn nữ quyền quốc tế; những bài báo, phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông quốc tế và phương Tây “vạch lá tìm sâu” chỉ ra những biểu hiện bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm trên nền tảng tik tok tạo ra diễn đàn rầm rộ trên mạng xã hội liên quan đến những việc cụ thể trong cuộc sống thường nhật của một số phụ nữ mà họ cho là nạn nhân của sự bất bình đẳng trong gia đình… Bằng thủ pháp gom lại và chắp nhặt những trường hợp cá biệt trong xã hội ta, thổi phồng lên thành hiện tượng phổ biến; qua đó tạo thành ấn tượng xấu đối với những người không hiểu biết thực tế; thông qua các diễn đàn mạng xã hội có đông người đọc, tham gia để lan tỏa thông tin sai trái nhằm dựng lên những hình ảnh xuyên tạc về đất nước Việt Nam. Mục đích cuối cùng của họ là tạo ra dư luận phủ nhận tính chính danh, tiến bộ, tích cực và thành tựu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bình đẳng giới ở Việt Nam được quan tâm và khẳng định từ quan điểm tư tưởng của lãnh tụ cuộc cách mạng đến đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư ở mỗi địa phương. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Như vậy, bảo đảm bình đẳng nam nữ; giải phóng phụ nữ khỏi áp bức, bóc lột, bất công luôn gắn bó và là một bộ phận không thể tách rời của sự nghiệp cách mạng mà nhân dân ta thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng, nhất là những năm gần đây, gắn với mỗi thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm với các đối tượng yếu thế trong xã hội nhất là phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Thể chế hóa đường lối của Đảng, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 đều quy định rõ: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”, “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”, “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Cùng với việc ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW). Nhiều bộ luật đã được ban hành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bảo đảm vị thế bình đẳng của Phụ nữ trong xã hội (Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Hình sự; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,...).
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; các cơ quan từ trung ương đến cơ sở và đông đảo các tầng lớp nhân dân chung tay góp sức tuân thủ pháp luật, thực hiện thắng lợi các chủ trương, bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội. Bức tranh xã hội hôm nay đã khác một trời một vực với tình cảnh của phụ nữ dưới thời bị thống trị của chế độ thuộc địa, phong kiến. Trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay tuyệt đối không hề có sự phân biệt đối xử giữa học sinh nam và nữ. Dấu ấn lạc hậu đã được xã hội xóa bỏ hoàn toàn. Những chính sách xóa đói, giảm nghèo; chương trình hành động vì người nghèo; cuộc vận động lá lành đùm lá rách, đồng hành cùng phụ nữ yếu thế, khó khăn… luôn trợ giúp những phụ nữ khó khăn nhất trong xã hội, để họ có điểm tựa vươn lên trong cuộc sống. Được tôn trọng quyền bình đẳng và không gian phát triển, Phụ nữ Việt Nam không ngừng phấn đấu, tu dưỡng hoàn thiện bản thân, cống hiến cho xã hội; khẳng định và bảo vệ quyền bình đẳng giới trong xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam phụ nữ có học vị cao và thành tựu khoa học trong nhiều ngành không hề thua kém nam giới cả về số lượng và mức độ cống hiến cho xã hội. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hiện nay, Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Trong đội ngũ lãnh đạo hệ thống chính trị, nhiệm kỳ này, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở cấp cơ sở đạt 21%, tăng 2%; cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%; cấp trực thuộc Trung ương, đạt 16%, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước. Có hơn 4.200 cán bộ nữ được lựa chọn, giới thiệu và bầu giữ chức vụ cán bộ chủ chốt trong Đảng và chính quyền ở cả 3 cấp này.
Những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam về bình đẳng giới được cộng đồng quốc tế công nhận và ủng hộ. Năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 72/146 quốc gia trên thế giới về bình đẳng giới, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 9-4-2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Từ tháng 1-2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Việc tất cả thành viên ECOSOC đồng thuận bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành UN Women thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này. Cộng đồng quốc tế đã công nhận thành tựu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Việt Nam.
Quân đội là lực lượng tiên phong trong thực hiện bình đẳng giới ở nước ta. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; cấp ủy, chỉ huy các đơn vị và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp hoạt động có nền nếp, chất lượng, hiệu quả trong việc tạo môi trường phát triển cho Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý và đặc thù quân sự. Sử dụng, phát huy đội ngũ trí thức, nhà khoa học, cán bộ, nhân viên nữ trong Quân đội đúng tiêu chuẩn chức danh và tương xứng với đức, tài của họ. PNQĐ đã phát huy vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, văn hóa nghệ thuật và chuyên môn quản lý kinh tế, hậu cần, kỹ thuật… Theo số liệu gần đây nhất, Quân đội đã có 12 nữ Phó Giáo sư, gần 260 Tiến sĩ, bác sĩ CK2; 65 Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú; 11 Thầy thuốc Ưu tú, 06 Nhà giáo Ưu tú; nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo nữ. Có gần 50 người đoạt các giải thưởng hoặc có thành tích cao cấp quốc gia, khu vực, quốc tế. 05 sĩ quan nữ được thăng quân hàm cấp tướng. Đã có 4.471 đề tài khoa học và có 7.359 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 4.089 công trình, sản phẩm do PNQĐ chủ trì, thực hiện. Họ là những tấm gương đi đầu trong “Hành trình trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng cống hiến” của PNQĐ 10 năm qua. Tổ chức hội phụ nữ trong Quân đội đã triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động xây dựng gia đình hạnh phúc. Có 98,3% gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ đạt và vượt các tiêu chí “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ phụ nữ yếu thế vươn lên, khẳng định vị thế trong xã hội được tổ chức rộng rãi. Kết quả đó khẳng định vị thế bình đẳng trong gia đình, ở môi trường công tác và góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ngày càng tốt hơn trong xã hội của PNQĐ.
Vẫn biết, không có gì là tuyệt đối, nhất là những vấn đề mang tính chất xã hội và phạm vi bao trùm rộng lớn. Đâu đó vẫn xuất hiện những biểu hiện cá biệt, ảnh hưởng đến thành tựu chung của đất nước về bình đẳng giới. Tuy nhiên, đánh giá những vấn đề lớn như bình đẳng giới rất cần tâm trong, trí sáng với cái nhìn tổng thể, toàn diện, khoa học và xu hướng phát triển. Đó chính là thái độ tích cực thúc đẩy xã hội ngày càng tiến bộ. Những cái nhìn mang tính cực đoan, thổi phồng những hạn chế, khiếm khuyết cá biệt để phủ định sự tiến bộ… sẽ lạc lõng trong xã hội tiến bộ và văn minh. Những quan điểm đó sẽ không có chỗ đứng trong những diễn đàn khoa học uy tín và không được những người có lương tri hoan nghênh.
Thực tiễn khẳng định, Việt Nam tôn trọng, quan tâm quyền bình đẳng giới và kết quã vẫn không ngừng cải thiện. Đất nước đang phát triển đúng hướng để xây dựng một xã hội ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn toàn diện, trong đó có vấn đề bình đẳng giới. Trong quá trình đó, cần quan tâm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, đấu cái sai” để xã hội ngày càng lành mạnh. Tư tưởng con người ngày càng an tâm; tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật, phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng cao đẹp ngày càng kiên định hơn. Bằng những việc làm cụ thể hàng ngày, mỗi người đều có trách nhiệm để bình đẳng giới ngày càng bộc lộ rõ hơn trong thực tế mọi mặt của đời sống xã hội. Để những phát ngôn lạc lõng không còn chỗ đứng và làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của chúng ta.