BÀ ANGELA MERKEL
BÀ ANGELA MERKEL
Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa kết thúc nhiệm kỳ công tác sau 16 năm tại vị. Những di sản mang thương hiệu “Merkel” rất đa dạng và có ảnh hưởng lâu dài ở Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung. Với sự nghiệp bình đẳng giới, có lẽ di sản lớn nhất của bà Merkel là việc một phụ nữ có thể lãnh đạo một đất nước, kể cả đối diện với nhiều cuộc khủng hoảng, trở thành một điều đương nhiên.
Thận trọng với chủ đề bình đẳng giới
Trên chính trường thế giới, bà Angela Merkel đối diện với những người đàn ông alpha nhưng vị nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức đã thận trọng khá lâu với chính sách bình đẳng giới (BĐG). Vì sao vậy?
Năm 2005, bà Angela Merkel đã hỏi: “Ai có thể nghĩ được rằng, ngay trong năm nay thôi chức vụ cao nhất trong chính phủ sẽ được trao cho một người phụ nữ?”. Câu hỏi này được bà thốt ra không lâu sau khi bà trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức. Giờ đây, sau 4 nhiệm kỳ làm Thủ tướng, có cả một thế hệ người dân nước Đức không biết đến ai khác ngoài một nữ chính trị gia đứng đầu Chính phủ: bà Angela Merkel. Năm 2018, trong dịp nước Đức kỷ niệm 100 năm quyền bầu cử của phụ nữ, bà đã đùa vui rằng, “thậm chí còn có câu hỏi đặt ra là liệu một người đàn ông có được phép làm Thủ tướng không?”.
Bà Angela Merkel đã rất thận trọng đối với chủ đề BĐG. Người ta thường nói, phụ nữ là “một nửa” thế giới nhưng lại hay quên nhắc đến nam giới cũng là “một nửa” thế giới. Một người đứng đầu Chính phủ như bà Merkel cần sự tín nhiệm của cả hai nửa - thể hiện với lá phiếu của họ. Chính vì thế, bà không muốn nhận mình là người đấu tranh cho nữ quyền. Bà đã từ chối khá lâu việc ấn định một tỷ lệ nữ trong bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp. Bà không muốn nhà nước can thiệp vào việc đó và hy vọng, tự các doanh nghiệp sẽ đưa nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí quản lý. Năm 2021, bà thừa nhận là đã thất vọng với hy vọng đó: “Tôi thành thật thừa nhận là năm 1990 khi tôi ra làm chính trị, tôi đã tưởng tượng là mọi thứ đơn giản hơn”.
Thực thi chính sách bình đẳng
Để tiếp tục nắm quyền lực, bà Angela Merkel cần sự ủng hộ từ đảng của bà. Tuy nhiên, những người bảo thủ thường còn cách xa một nghị trình mang tính nữ quyền. Đối với bà Angela Merkel, việc phụ nữ vừa làm mẹ, vừa đi làm không có gì là bất bình thường. Tuy nhiên, hình ảnh gia đình chế ngự trong đảng của bà từ nhiều thập niên là: Người đàn ông đi làm và kiếm tiền, trong khi người vợ ở nhà với con cái.
Trong thời gian cầm quyền, bà cùng các đảng liên minh trong Chính phủ đã đưa ra những đạo luật mới góp phần xây dựng một hình ảnh hiện đại về gia đình: Áp dụng thời gian nghỉ việc sau khi sinh con cho bố, mẹ, trợ cấp nuôi con; các cơ sở mẫu giáo, nhà trẻ được mở rộng trên khắp cả nước và một quy định mới giúp những bà mẹ trẻ sau khi sinh con trở lại công việc của mình dễ dàng hơn.
Những quy định đó có thành công không? Mặc dù đã đầu tư hàng tỷ đồng vào các cơ sở mẫu giáo, nhà trẻ nhưng vẫn còn thiếu nhà trẻ cho hàng trăm nghìn trẻ nhỏ. Và gần một nửa số phụ nữ ở Đức làm việc bán thời gian. Đến nay, nhiều ông bố ở Đức đã xin nghỉ trông con sau khi vợ sinh, nhưng thường họ nghỉ trông con với thời gian ngắn hơn phụ nữ nhiều.
Một nhà nữ quyền
Trong các nhiệm kỳ của bà Merkel điều hành, có nhiều phụ nữ được trao chức vụ cao trong chính trường nước Đức. Nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng cũng do một nữ Bộ trưởng lãnh đạo; nhiều cố vấn thân cận nhất của bà Merkel cũng là phụ nữ. Trong phủ Thủ tướng có 4 nữ Quốc vụ khanh. Một trong số họ từng nhận xét về bà Merkel rằng: “Không phải ngày nào bà ấy cũng lên tiếng về các chủ đề phụ nữ và quyền của nữ giới, nhưng khi nào bà ấy làm điều đó thì chắc chắn là luôn có tác dụng”.
Khi công du ra nước ngoài, bà Merkel luôn đề cập đến các chủ đề về quyền của phụ nữ. Ở Niger, bà đã đến thăm một ngôi nhà giúp đỡ phụ nữ yếu thế. Ở Hàn Quốc, bà khích lệ các nữ sinh viên tham gia hoạt động chính trị. Tuy vậy, những nữ đối thủ của bà trên chính trường Đức phê phán là những hành động đó chỉ mang tính tượng trưng. Vì họ chưa nhìn thấy bà Merkel nỗ lực trên bình diện Liên hợp quốc, EU hay ở nước Đức cho bình đẳng giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhất trí là di sản bà để lại cho phụ nữ là rất đa dạng. Có thể là những điều mà nhờ có bà đã thay đổi, ví dụ như chính sách gia đình. Nhưng cũng có khi những vấn đề khác, cho dù có vai trò của bà Merkel, vẫn bị thay đổi theo xu hướng phát triển của xã hội. Ví dụ, trong nhìn nhận về các quyền của những người đồng tính, song tính, chuyển giới và chưa rõ về giới tính, hay khái niệm “hôn nhân cho tất cả”.
Có lẽ di sản lớn nhất của bà Merkel là việc một phụ nữ có thể lãnh đạo một đất nước - kể cả qua nhiều cuộc khủng hoảng - trở thành một điều đương nhiên. Năm 2018, bà nói: “Ngày nay, không một ai cười nhạo một cô gái nữa, nếu cô ấy nói sau này muốn trở thành một Bộ trưởng hoặc thậm chí Thủ tướng”. Bà Merkel là một tấm gương cho phụ nữ trên khắp thế giới.
Bà Angela Merkel đã kết thúc nhiệm kỳ của mình một cách cởi mở hơn khi nỗ lực cho phụ nữ. Bà không phải thắng trong một cuộc bầu cử nào nữa. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, bà công khai trở thành một nhà nữ quyền, điều mà trước kia vẫn làm bà phải cân nhắc.
Ngày 26-10-2021, tại Cung điện Bellevue ở Berlin, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ cho Thủ tướng Angela Merkel và các thành viên nội các. Phát biểu trong buổi lễ, Tổng thống Steinmeier đã cảm ơn bà Merkel vì những đóng góp to lớn cho nước Đức trong suốt 16 năm qua; ca ngợi bà là một nhà lãnh đạo tiêu biểu trong lịch sử nước Đức. Thủ tướng Merkel đã lãnh đạo đất nước vượt qua rất nhiều cuộc khủng hoảng và những giai đoạn khó khăn nhất, giành được sự tin tưởng lớn của người dân Đức. Bà cũng mang lại cho nước Đức sự tôn trọng và những tình cảm từ châu Âu cũng như trên khắp thế giới.
PHAN TRỌNG HÙNG
Theo TTXVN
Ảnh: Internet