“5 NĂM MỚI BẤY NHIÊU NGÀY…”
“5 NĂM MỚI BẤY NHIÊU NGÀY…”
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngày 12-12-2017, Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động (PHHĐ) giai đoạn 2018-2022. Chương trình huy động sự nỗ lực trong việc chỉ đạo các đơn vị quân đội và các cấp hội cả nước phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND) vững chắc; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và hậu phương quân đội. Phối hợp thực hiện các phong trào thi đua và cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (TQVN), Quân đội, Hội LHPN Việt Nam phát động; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” và Hội LHPN các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
5 năm qua, chương trình đạt được nhiều kết quả. Cấp ủy, tổ chức Đảng các cơ quan, đơn vị quân đội và Hội LHPN đã chỉ đạo vận dụng linh hoạt, đa dạng hình thức ký kết, kết nghĩa, phối hợp giữa các cấp hai bên trên địa bàn. Cả nước có gần 1.000 Hội phụ nữ ở các địa phương kết nghĩa với các đơn vị quân đội. Phối hợp tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; góp phần xây dựng cơ sở chính trị, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND ở địa phương vững mạnh toàn diện; thúc đẩy nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội (HPQĐ); xây dựng tổ chức hội vững mạnh và đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Vận dụng linh hoạt các hình thức: Sinh hoạt chính trị, nói chuyện thời sự và chuyên đề, truyền thông, thi tìm hiểu về pháp luật, giao lưu, tọa đàm, sân khấu hóa, văn hóa văn nghệ, thi trực tuyến, chiếu phim; dựng nhiều pano, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi; lồng ghép trong các đợt huấn luyện dã ngoại làm công tác dân vận của các đơn vị, hoạt động hè tình nguyện của các học viện, nhà trường quân đội...; một số mô hình tiêu biểu, như: “Gắn kết hộ”; Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”... Phối hợp hơn 352.000 buổi tuyên truyền; vận động gần 43.000 học sinh trở lại trường học; 13.466 hộ không di cư. Đẩy mạnh tuyên truyền về đấu tranh phòng chống tội phạm, buôn bán phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới được 97.500 cuộc, với sự tham gia gần 5 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ và phụ nữ.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng chống, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các đơn vị và mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có hiệu quả. Các mô hình: “Tổ phụ nữ giữ gìn an ninh trật tự”; “Điểm sáng biên giới”; “Biên giới bình yên, nội biên vững mạnh”; “Phụ nữ với chiến sĩ quân hàm xanh”; “Tổ phụ nữ tham gia phòng, chống vượt biên, xâm nhập trái phép”; “Phụ nữ chung tay cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường”; “Phụ nữ với sự phát triển bình yên tuyến biển”, “Hậu phương Trường Sa”, “Phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa”, “Tổ phụ nữ tham gia giữ gìn đường biên, mốc giới”... được phát huy. Các tổ, hội phụ nữ phối hợp với bộ đội vận động hơn 500.000 chị em tham gia đấu tranh chống lấn chiếm biên giới và hơn 800.000 lượt hội viên tham gia phong trào tự quản đường biên mốc giới và an ninh trật tự vùng biên. Cán bộ, hội viên cung cấp thông tin và tham gia giải quyết các vấn đề, các điểm nóng về an ninh, trật tự tại địa phương hơn 38.000 lần và hơn 8.000 điểm nóng. Vận động nhân dân tố giác gần 21.000 tội phạm, bắt giữ gần 5.000 đối tượng vượt biên trái phép.
Hoạt động phối hợp giữa cơ quan, đơn vị quân đội và tổ chức hội các cấp góp phần thúc đẩy phát triển đảng viên nữ. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho phụ nữ được quan tâm; mỗi năm, cán bộ nữ chiếm 30% tổng số học viên. Cơ sở chính trị ở các địa phương được củng cố. Ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng vượt biên, trộm cướp, buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em; tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, chống xâm canh, xâm cư, bảo vệ cột mốc, đường biên, chống truyền đạo trái phép… góp phần giữ vững ổn định tình hình địa bàn, nhất là các địa bàn chiến lược trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và người có đạo.
Bám sát mục tiêu, yêu cầu của các cuộc vận động, phong trào hành động do Chính phủ, Mặt trận TQVN, Quân đội và Hội LHPNVN phát động. Thực hiện tốt chính sách HPQĐ, giám sát thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở địa bàn khó khăn, phức tạp, gia đình quân nhân tại ngũ gặp khó khăn và quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Các đơn vị, nhất là lực lượng BĐBP, Hải quân; Binh đoàn 15, 16; các đoàn kinh tế - quốc phòng, cơ quan quân sự địa phương đã phối hợp với Hội LHPN các cấp tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ cơ sở vật chất, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, giúp nhân dân định canh, định cư, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, xây dựng điểm sáng văn hóa vùng cao biên giới, hải đảo. Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) hỗ trợ sửa chữa và xây mới hàng chục căn nhà, trao tặng các trang thiết bị y tế, thiết bị trường học, công trình nước sạch, cung cấp cây, con giống và tặng quà tết cho chị em khó khăn, gia đình có công với cách mạng; thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng. Hưởng ứng các hoạt động, các chương trình thiện nguyện “Trao yêu thương, nhận hạnh phúc”, với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng. Hàng vạn phụ nữ toàn quân tham gia chống dịch Covid-19; vận động ủng hộ gia đình cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu và nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trị giá hơn 20 tỷ đồng. Nhận nuôi, đỡ đầu, chăm sóc và hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho 326 trẻ mồ côi (do Covid-19) đến đủ 18 tuổi; tặng 224 sổ tiết kiệm, 784 suất quà cho các cháu mồ côi khác, với hơn 5 tỷ đồng... Những hoạt động chung tay xoa dịu nỗi đau với đồng bào gặp hoạn nạn; góp phần thúc đẩy ổn định tình hình kinh tế - xã hội địa phương; thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao.
Các đơn vị và Hội LHPN trên địa bàn thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Tiến hành khảo sát thực trạng tình hình phụ nữ và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội; đa dạng hóa các loại hình tập hợp phụ nữ, thu hút được đông đảo chị em tham gia; chăm lo củng cố, kiện toàn, nâng chất lượng hoạt động của các cấp hội. Phối hợp xây dựng chương trình tập huấn lý luận, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, hội viên; coi trọng bồi dưỡng trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. BĐBP tổ chức 120 lớp tập huấn cho 2.030 cán bộ hội và 146 lớp xóa mù chữ cho 3.190 phụ nữ các dân tộc... Duy trì trao đổi thông tin, nắm tình hình, định kỳ phối hợp kiểm tra, sơ kết rút kinh nghiệm, trao đổi cách làm hay, mô hình tốt, tiếp tục đề xuất nội dung, chương trình phối hợp hoạt động sát tình hình nhiệm vụ chính trị của mỗi bên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, xây dựng Hội phụ nữ địa phương và đơn vị quân đội.
Để hoạt động phối hợp đi vào chiều sâu, thiết thực, giữa TCCT và Hội LHPNVN, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, kịp thời và sâu sát. Tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phát sinh trong triển khai thực hiện. Các cơ quan chức năng tích cực tham mưu, đề xuất kế hoạch phối hợp cụ thể thực hiện chương trình. Chủ động nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức PHHĐ phù hợp với mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương; nhất là vùng sâu, vùng xa, và các địa bàn trọng điểm... Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua Quyết thắng, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Quân đội, Hội LHPN Việt Nam và địa phương phát động; chú trọng xây dựng, nhân rộng điển hình, phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng trong thực hiện PHHĐ. Quan tâm xây dựng, củng cố cơ quan chính trị, cơ quan chuyên trách và đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ hội các cấp; làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn nội dung, phương pháp công tác phụ nữ; đề xuất bố trí, sử dụng cán bộ có năng lực để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình. Định kỳ phối hợp kiểm tra, khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình PHHĐ giai đoạn 2022-2027, thống nhất bổ sung, điều chỉnh chương trình, kế hoạch hoạt động sát với thực tế.
Chương trình PHHĐ được triển khai và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Quân đội và Hội LHPN các địa phương; góp phần thực hiện tốt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội và công tác phụ nữ thời kỳ mới.
Trong giai đoạn 2022-2027, công tác PHHĐ giữa hai bên cần tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cơ quan, đơn vị quân đội với cấp ủy chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp trong tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; xóa đói giảm nghèo; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
* * * * *
Chiều 29-11-1022, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2018-2022; ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022-2027. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hội trường Bộ Quốc phòng và trực tuyến tại 18 điểm cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018-2022; biểu dương, khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai thực hiện và ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022-2027. Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên QUTW, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
4 nội dung được ký kết trong Chương trình Phối hợp hoạt động giữa Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2022-2027
1. Phối hợp tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
2. Phối hợp tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc
3. Phối hợp thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội, Hội LHPN Việt Nam và địa phương phát động; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và hậu phương Quân đội
4. Phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội, xây dựng đơn vị Quân đội vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, Hội LHPN các cấp vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả
Tổng hợp (PV)
Ảnh: TRỌNG ĐỨC - TUẤN HUY - NGUYỄN MINH