column_right getExtensions 1733440181-1733440181

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1733440181-1733440181

HƯƠNG THẦM

HƯƠNG THẦM

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:13-08-2024

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY

Hương thầm

Cửa sổ hai nhà cuối phố

Không hiểu vì sao không khép bao giờ

Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp

Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa.

 

Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay

Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm

Bên ấy có người ngày mai ra trận.

 

Họ ngồi im không biết nói chi

Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi

Nào ai đã một lần dám nói?

Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối

Anh không dám xin

Cô gái chẳng dám trao

Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao

Không giấu được

cứ bay dịu nhẹ.

 

Cô gái như chùm hoa lặng lẽ

Nhờ hương thầm nói hộ tình yêu

“Anh vô tình anh chẳng biết điều

Tôi đã đến với anh rồi đấy…”.

 

Rồi theo từng hơi thở của anh

Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực

Anh lên đường

hương sẽ theo đi khắp

 

Họ chia tay

vẫn chẳng nói điều gì

Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.

1969

PHAN THỊ THANH NHÀN

(Rút trong tuyển “Thơ Việt Nam 1945-1985”, Nxb Văn học, H, 1985).
Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Sinh trưởng tại xã Tứ Liên, huyện Từ Liêm (nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ), Hà Nội, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thuộc thế hệ những người cầm bút xuất hiện và trưởng thành từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tốt nghiệp Khoa báo chí Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), chị là phóng viên của báo Hà Nội mới. Làm báo và làm thơ, Phan Thị Thanh Nhàn được bạn đọc biết đến và yêu mến bởi “Hương thầm”. Bài thơ được nhận giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1969, cùng với Phạm Tiến Duật (giải Nhất).

Từ sự vinh danh “Á hậu” thơ, Phan Thị Thanh Nhàn có tập thơ in chung đầu tay “Tháng giêng hai” (1970) ra mắt bạn đọc, tiếp đến các tập thơ in riêng “Hương thầm” (1973), “Chân dung người chiến thắng” (1977), “Bông hoa không tặng” (1987), “Nghiêng về anh” (1992), “Bài thơ cuộc đời” (2000), “Thơ với tuổi thơ” (2002)… cùng các tập truyện khác viết cho thiếu nhi.

Nhiều năm gắn bó với Thủ đô, giữ cương vị Phó Tổng biên tập báo Người Hà Nội, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội. Năm 1995, chị đoạt giải A về sáng tác văn học của Nhà xuất bản Kim Đồng. Với những cống hiến của mình, đến năm 2007, nhà thơ được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 2.

Trở lại với “Hương thầm”, tác phẩm đưa tác giả bước lên bục danh giá năm chị 26 tuổi. Hai năm sau, Phan Thị Thanh Nhàn được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, bấy giờ, chị là một trong những gương mặt thơ nữ trẻ, có được giọng điệu riêng. Thơ chắt lọc, không chút dễ dãi.

Bài thơ được viết vào tháng 3-1969, ghi lại sự kiện người em trai là Phan Hữu Khải đi bộ đội. Ngày ấy, nhà bố mẹ chị ở ngoài đê Yên Phụ, sau vườn có cây bưởi to, cứ đến mùa hoa là hương thơm thanh khiết vô cùng. Cậu em vẫn thường hái chùm hoa bưởi bỏ vào làn cho chị mình mang đi làm. Ngày anh Khải lên đường ra trận, có cô bạn cùng học cấp 3 thầm thương, trộm nhớ. Chàng trai thì vẫn không hay biết gì, chỉ người chị ruột tinh ý nhận biết và trân quý.

Với chất giọng “tự sự” rất nhuyễn và có phần mộc mạc, việc tác giả không sử dụng thơ truyền thống lúc bấy giờ, mà chọn thể thơ tự do, là có lý do. Nhà thơ dụng ý ngắt câu theo kiểu bắc cầu, nhịp hẫng, diễn tả một câu chuyện tình hết sức nhuần nhị, đằm sâu, tạo nên sự rung cảm.

Cửa sổ hai nhà cuối phố/ Không hiểu vì sao không khép bao giờ/ Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp/ Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa. Tình yêu trai gái thời chiến chinh là vậy, kín đáo, dung dị, mà đằm sâu chứ không hề xô bồ, suồng sã. Từ hình tượng cây bưởi, thi nhân khéo cài vào khổ thơ mở đầu, tạo nên cái tứ thật duyên dáng, thật e ấp mà cũng thật sâu lắng, cứ êm đềm như tình cảm trắng trong giữa người con gái với chàng trai. Tuy chưa hề ngỏ lời, nhưng cửa sổ hai nhà không khép, chứng tỏ từ lâu họ đã để ý đến nhau và phải lòng nhau. Một ngày không nhìn thấy nhau, cuộc sống dường như sẽ mất đi sự ý nhị.

Ngày mai họ chia xa rồi. Phải làm sao đây? Nhờ có mùi hương bưởi thoảng thơm, mà người con gái trở nên mạnh dạn hơn. Trong trường hợp này thường thì chàng trai sẽ tìm đến chia tay, chứ mấy ai lại làm ngược bao giờ. Nhưng cô gái hiểu người ấy sắp đi xa, thì chẳng việc gì mình phải e ngại, để rồi ngồi mà nuối tiếc cơ chứ. Một quyết định có phần táo bạo, nhưng hợp lẽ con tim. Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/ Bên ấy có người ngày mai ra trận. Một vẻ đẹp dân dã mà vô cùng thắm thiết của người con gái Hà Nội, nó khác với nhiều miền quê ở miền Bắc thuở ấy. Dám mượn hương hoa để gửi gắm lòng mình. Xin nhớ đây là “hương thầm” dịu nhẹ của hoa bưởi chứ không phải bất kỳ loại hương “nức nở” nào khác, nhé.

Mới đáng yêu làm sao cái cung cách xử sự của hai người. Dẫu “tình trong như đã”, song “mặt ngoài còn e”. Nếu ở vào thời nay, tất chàng trai và cô gái sẽ ôm nhau thật chặt và trao gửi nụ hôn đầu đời. Nào có gì sai khi mà người ta yêu thương nhau, đến với nhau thật lòng. Nhưng không, cái thời ấy, tuổi trẻ gìn giữ lắm. Nhất là với những người có học hành, có chữ, thì luôn nhớ câu Kiều nổi tiếng của Nguyễn Du: “Trong khi chắp cánh liền cành. Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên”. Và lấy đó làm câu răn mình. Thế nên: Họ ngồi im không biết nói chi. Thương lắm chứ. Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi. Bởi xưa nay, những trường hợp như này thì: Nào ai đã một lần dám nói? Thật may, là trên tay cô gái có một chùm hoa. Rất nữ tính và cũng đầy tinh tế. Thiếu đi sự cài đặt này, e bài thơ sẽ chung chiêng và khó đứng được, bởi nhiều lẽ. Cái duyên của nhà thơ trẻ bộc lộ chỗ này. Chị diễn đạt trạng huống e ấp rất tài tình, mà cũng rất thật, chứ không hề gân cốt. Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao. Tuy có chút “ấm ức” trong tâm tưởng, nhưng khi tác giả viết: Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được/ cứ bay dịu nhẹ, thì thật sự là hơn cả cái đẹp. Nó đậm chất Hà thành, thanh khiết và lắng sâu. Tình yêu trai gái thời chiến là vậy.

Hai người sắp xa nhau, chàng trai ra trận, còn cô gái ở lại hậu phương, giữa họ là cả một miền ngan ngát hương đưa. Chẳng phải hoa hồng, hoa cúc, mà chỉ hoa bưởi. Để chi, để mai này, người đi sẽ nhớ mãi quê nhà, bình dị, nhớ hương bưởi dịu dàng. Không thề thốt, cũng chẳng nói lời ước hẹn. Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thầm nói hộ tình yêu. Dẫu đã rất xao động tâm tư, nhưng chàng trai cũng bối rối không kém, đành ngồi im. Lúc này thì cô gái có quyền “hờn dỗi”, trách yêu. Anh vô tình anh chẳng biết điều/ Tôi đã đến với anh rồi đấy...

Đến đây, người đọc chợt nhớ và liên tưởng đến khổ cuối trong bài thơ “Tâm trạng thiếu nữ” của X. Kaphuchikian (Nga) do Xuân Diệu dịch: “Lời nói gió thoảng bay. Đôi mắt huyền đẫm lệ. Sao mà anh ngốc thế. Chẳng nhìn vào mắt em”. Muôn đời, tình yêu là vậy. Đẹp hơn nước mắt. Thì ra, cái tài của thi sĩ ở chốn nào cũng vậy, không chỉ bằng ngôn từ, mà còn xuất phát từ tấm lòng và sự phát hiện. Nhìn sâu vào bản thể con người…

Nhờ bởi cái tứ “hương thầm” đã tạo dựng, tác giả vun bồi cho ý thơ phát triển lên tầng nấc mới cao hơn, đằm sâu, nhẹ nhàng và cũng da diết hơn. Rồi theo từng hơi thở của anh/ Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực. Rõ là hương bưởi đã thấm vào tim, vào óc của chàng rồi. Nhà thơ kín đáo khẳng định: Anh lên đường/ hương sẽ theo đi khắp. Nhẹ thôi, cái tình của người ở lại gửi người trai ra trận. Hoa thay người và mùi hương thay lời nói lên tất cả. Tình yêu và sự thủy chung.

Và bài thơ khép lại. Tác giả khơi lại mạch nguồn đầu bài. Nếu ở trên là mở, thì dưới đây là kết. Họ chia tay/ vẫn chẳng nói điều gì/ Mà hương thầm thơm mãi bước người đi. Hỏi còn gì hơn thế với chàng trai ra trận? Bài thơ được bạn đọc, nhất là lớp trẻ, các cô gái trẻ đón nhận và yêu mến. Đặc biệt, bài “Hương thầm” được chương trình Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam đưa vào tiết mục “Tiếng thơ”, say đắm. Ở tận A Lưới, mảnh đất phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế, anh Phan Hữu Khải và đồng đội nghe trọn vẹn bài thơ qua làn sóng điện. Người lính sung sướng biên thư về báo tin vui cho chị mình. Nữ thi sĩ còn chưa kịp hồi âm, thì ở tại vùng đất có địa danh Hambuger Hill (Đồi thịt băm) khốc liệt, em trai mình đã hy sinh (1972).

Đến năm 1984, bài thơ được nhạc sĩ Vũ Hoàng chắp thêm đôi cánh âm nhạc, bài hát cùng tên đã trở thành một ca khúc “đi cùng năm tháng”. Những năm 80 của thế kỷ XX, bài thơ “Hương thầm” được đưa vào chương trình học trung học phổ thông. Đáng nói, là tác phẩm này được khắc lên bia đá ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện A Lưới, để tưởng nhớ một thế hệ những người con ưu tú đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Họ bất tử cùng non sông, đất nước.

BÀI VIẾT NỔI BẬT