column_right getExtensions 1726704191-1726704191

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1726704191-1726704191

THƯƠNG NHỚ NGÀY XƯA

THƯƠNG NHỚ NGÀY XƯA

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:17-06-2024

THƯƠNG NHỚ NGÀY XƯA

Từ Hà Nội về, qua ga Phú Xuyên hơn một cây số là đến quê tôi. Vượt đường tàu hỏa, mẹ con tôi đi trên lối mòn hai bên rợp mát những lùm tre xanh mềm mượt dẫn tới cổng làng. Mẹ bảo, lên miếu trình Hai Cô rồi hẵng vào làng con ạ.

Qua ga Phú Xuyên hơn một cây số là đến quê tôi

Đây chính là miếu thờ hai cô gái đồng trinh dũng cảm đánh giặc giữ làng, khi bị dồn đến đường cùng, họ nhảy xuống giếng bên đường tự vẫn. Về sau dân làng đã xây đắp lại bờ giếng cũ, lập miếu thờ ngay tại đấy. Sự tích ấy, chẳng sử sách nào chép cả, cứ hư hư thực thực vậy, nhưng đời nọ truyền sang đời kia: “Hai Cô vẫn về làng cứu người lành, trừng phạt kẻ ác”. Nhiều sự việc ứng vào những nhân vật ngoài đời, khiến miếu Hai Cô càng linh thiêng trong tâm thức mọi người.

Trên một gò đất, ngôi miếu thấp nhỏ tường trắng đục loang lổ vệt rêu phong, ẩn dưới cây đa cổ thụ rễ dài chấm đất, gốc to đến mấy vòng tay người nối nhau ôm không xuể. Một mảng ngói mới đảo giữa nền ngói đã thâm, trông như mảnh nâu non vá trên vạt áo gụ. Tôi lần xuống mấy bậc đá, khỏa tay lên mặt nước giếng mát lạnh, trong suốt. Ngôi miếu hiển hiện đúng như hình ảnh mẹ tôi đã kể. Khi trưởng thành, dù đã biết một số nơi cũng có miếu thờ, nhưng ngôi miếu ở làng Thượng Yên quê hương vẫn vẹn nguyên sự linh thiêng trong tâm hồn tôi đến bây giờ.

Giữa khói hương bảng lảng, tôi bâng khuâng với huyền thoại. Tôi chắp tay theo mẹ, mơ hồ như hai nữ thánh đang nhìn mình vậy. Ra khỏi miếu, tôi tung tẩy đi trước. Nắng vàng xuộm trên đồng lúa tháng Mười. Gió thu dâng hương thơm ngậy của mùi lúa nếp chín. Ngoảnh lại, tôi ngỡ ngàng vì mẹ đẹp đến lạ giữa cái khung cảnh đồng quê. Nắng tháng Mười, đủ để hai gò má mẹ phớt hồng như thoa phấn. Gió hây hẩy mấy sợi tóc mai dưới vành tóc vấn trần của mẹ, lất phất đôi vạt áo cánh lụa nõn, đủ cho chiếc quần sa tanh đen nhún nhảy theo bước chân trên con đường lát gạch nghiêng dẫn về nhà. Mẹ bảo con đường này có phần gạch của bố tôi nộp lệ làng vào ngày cưới mẹ. Lớn chút nữa tôi mới được biết chuyện hôn nhân của bố mẹ mình. Ông giáo làng và ông thầy lang thân nhau từ hồi để chỏm. Hai ông nhận nhau là thông gia từ lúc bố tôi hai tuổi và mẹ tôi chỉ mới ẵm ngửa. Ngỡ chuyện ấy nhạt nhòa theo tháng năm, nhưng đến khi bố mẹ tôi trở thành nam thanh nữ tú, đám cưới hai người to nhất huyện thuở ấy. Nhưng tôi chưa đầy một tuổi, mẹ đã thành góa phụ. Mẹ bế tôi theo nhà máy giấy vào tận vùng tự do. Lên bảy tuổi tôi mới được về thăm quê lần đầu.

Mẹ đứng ngây người. Ngôi nhà năm gian, nửa mái lợp ngói nửa mái lợp rạ. Mấy cột trụ gỗ lim vẫn đen nhẻm vết cháy dở, dãy nhà ngang chỉ còn nền đất xám loang lổ dấu tích của ngày giặc Pháp càn. Bác dâu kể, sau ngày giặc càn, trận lụt đã dìm cánh đồng chiêm trũng cùng thôn xóm làng Thượng xuống dưới mặt nước trắng băng. Chỉ mỗi cây bưởi ở đầu cổng vẫn rờ rỡ sức sống, lá xanh hơn cả xanh. Hương thơm từ những chùm hoa bưởi trắng như đang ngát riêng cho hai mẹ con tôi. Bất chợt, tôi thấy nước mắt mẹ ngưng đầy, giọng khê đặc. Bố con trồng cây bưởi này để đón mẹ về làm dâu đấy. Hình như cây bưởi phảng phất linh hồn của người sinh ra tôi. Gió đưa cành bổng cành la cứ rung rinh, rung rinh.

Nhớ hương hoa bưởi của mẹ

Từ bên nội sang bên ngoại chưa đầy trăm thước. Tôi không vào nhà mà chạy ngay ra bờ ao, nơi cây sung xin xít quả từ gốc lên ngọn. Câu chuyện về cây sung rìa ao, nơi ông ngoại bị giặc sát hại cứ ám ảnh tôi mãi, cho đến lần về quê đầu tiên ấy, tôi như bị cành sung to chắc vươn ra giữa ao thôi miên…

Sau ngày hòa bình, bác trai trên mẹ lại nối tiếp nghề giáo của ông. Ngày dạy trò nhỏ, đêm dạy bình dân học vụ. Một học viên ban đêm của bác tôi nói: Kẻ lên đồn Rẽ khai với giặc Pháp, ông ngoại tôi thường gác cho du kích họp kín tại nhà mình. Ngay chiều ông tôi mất, đêm ấy kẻ phản bội đi từ bốt Rẽ về làng, qua miếu Hai Cô thì bị rắn đớp chết không kịp ngáp.

Từ đấy, cứ Tết đến tôi lại được mẹ cho về quê mấy ngày. Khi đi, bên nội bắt mang theo bưởi, bên ngoại bắt mang theo ngô khoai, gạo nếp. Họ hàng thay nhau gồng gánh quà cho hai mẹ con tôi ra tận ga Phú Xuyên. Sống dưới sự bao bọc chở che của người sinh ra mình, tôi đã trưởng thành, nhưng mẹ vẫn xét nét răn dạy tôi mọi nhẽ. Đến một ngày khuôn mặt mẹ như có gió bấc tràn qua, trầm buồn đến lạnh, tôi mới thấm nỗi xót xa bởi những gì mẹ đã phải chịu đựng, hy sinh cho mình. Thời gian như dòng sông không phẳng lặng chảy trong cuộc đời góa phụ đi qua hai cuộc chiến. Bỗng, một hôm mẹ thao thiết dặn, nếu ngày nào đó mẹ phải đi theo bố, thì con nhớ về quê luôn nhé. Cuối mùa thu năm ấy mẹ tôi đi, nhẹ như làn gió lất phất vạt áo lụa nõn ngày tôi về quê lần đầu.

Làng quê thương nhớ

Mọi thứ hao khuyết dần theo năm tháng. Làng Thượng Yên quê tôi bây giờ khác lạ. Sông Nhuệ không còn trong như xưa. Hàng tre xanh mượt trên lối dẫn vào làng cũng biến mất, thay vào đấy san sát những căn nhà lợp mái tôn, những lò ấp vịt, những cửa hàng bán buôn bán lẻ bụi bặm. Cánh đồng làng Thượng rộng đến tận chân đê, dậy thơm mùi lúa chín, công ty nào đó đã san lấp cát trắng phớ. Con đường lát gạch nghiêng đã thành đường bê tông. Nhà tầng thấp, tầng cao nhấp nhô trong các ngõ. Khu đất hương hỏa của ông bà nội tôi cũng lênh khênh ngôi nhà mấy tầng vôi ve chói lóa không ra cổ, chẳng ra kim. Nơi cây bưởi xanh thơm kỷ niệm của mẹ tôi cũng không còn nữa. Cái ao và cây sung đã thành nhà của ai khác. Ngôi miếu Hai Cô cũng không còn tĩnh lặng như hồi nào. Mấy chiếc ô tô bóng loáng của khách thập phương đỗ sát bên đường. Trong miếu, tiếng chuông vọng lên nghe cũng hối hả, hương khói nghi ngút vượt cả những tán đa cổ thụ. Ký ức trong tôi lại ùa về. Thương nhớ mẹ, tôi càng thương nhớ làng Thượng Yên năm xưa biết nhường nào.

NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:1
Trong ngày:713
Trong tuần:3000
Trong tháng:5540
Cả năm:5540
Tổng lượt xem:5540