BẾN BỜ HẠNH PHÚC
Bến bờ hạnh phúc
Bài và ảnh: KHÁNH CHI
Gắn bó với Viện Y học Dự phòng Quân đội tròn 11 năm, Thiếu tá Võ Sơn Tùng đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Viện nói riêng cũng như Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần (TCHC) nói chung. Trong hành trình ấy, anh đã đạt được nhiều giải thưởng đáng kể. Gần đây nhất là giải Nhì “Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2024” với đề tài “Ứng dụng phần mềm imagej đánh giá chất lượng lam máu nhuộm giemsa và bước đầu góp phần chẩn đoán phân biệt loài ký sinh trùng sốt rét tại thực địa”. Thành công không chỉ là sự nỗ lực của riêng bản thân, với người quân nhân đam mê khoa học ấy, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần, động viên, giúp đỡ để anh vững bước.
Tháng 9-2013, tốt nghiệp Học viện Quân y, anh Sơn Tùng về công tác tại Viện Y học Dự phòng Quân đội. Đây là môi trường thuận lợi cho các bác sĩ trẻ có cơ hội tiếp xúc, học tập và công tác với các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Y học dự phòng trong quân đội. Viện có cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống trang thiết bị máy móc tiên tiến, là nền tảng để cán bộ, nhân viên phát huy hết khả năng của mình. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy Viện luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các bác sĩ trẻ như anh Sơn Tùng được học tập nâng cao trình độ, làm chủ công nghệ và các trang thiết bị hiện đại…
Với đặc thù nghề nghiệp của mình, trung bình mỗi năm anh Tùng có 5 - 6 đợt công tác xa, mỗi chuyến đi kéo dài cả tháng, có khi nhiều hơn thế để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Những chuyến đi là những trải nghiệm rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy ắp những kỷ niệm khó quên đối với bản thân anh cũng như các đồng nghiệp. Một trong những kỷ niệm mà anh nhớ mãi, đó là lần đi thực địa tại địa bàn xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk vào năm 2020. Anh và đồng đội phải ở nhờ nhà dân, đoàn có 6 người cả nam cả nữ ở trong ngôi nhà chừng 20m2. Việc đi lại, ăn uống sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, thiếu điện, thiếu nước sạch, không có internet, sóng điện thoại thì lúc có lúc không. Khó khăn trong công việc là muỗi sốt rét thường hoạt động mạnh vào khoảng chập choạng tối và sáng sớm, thế nên công việc bắt muỗi phục vụ nghiên cứu cũng phải diễn trong khoảng thời gian này. Như thường lệ, sau bữa cơm chiều, đoàn công tác 6 người chia làm 3 tốp đi theo 3 hướng khác nhau. Tốp của anh Tùng men theo bìa rừng, đi dọc con suối để đặt bẫy muỗi. Trời đổ mưa rất to, chỉ trong tầm 20 phút nước cuốn theo đất đá chảy rất mạnh. Rất may, khoảng 2 tiếng đồng hồ thì ngớt mưa, kế hoạch đặt bẫy muỗi lại diễn ra bình thường.
Hiện tại, Thiếu tá Võ Sơn Tùng được phân công sang lĩnh vực công nghệ tế bào. Đây là một chuyên ngành rất mới đối với y học trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hằng ngày anh phân lập, nuôi cấy, bảo quản tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và dây rốn. Bước đầu nghiên cứu sự biến đổi của tế bào gốc trung mô trong môi trường nuôi cấy ở các điều kiện khác nhau. Tách chiết, thu hoạch các sản phẩm tế bào gốc và các sản phẩm sinh ra trong môi trường nuôi cấy tế bào gốc để ứng dụng trong y học. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và tác phong khoa học thì mới có kết quả tốt. Hơn nữa, hóa chất sinh phẩm sử dụng cho nuôi cấy tế bào gốc rất đắt, thế nên một sai sót nhỏ do chủ quan thì cũng có thể làm thiệt hại rất lớn về kinh tế nên mỗi khi thực hiện, anh Tùng luôn tập trung, nghiêm túc tuân thủ các bước thực hiện để giảm thiểu mọi sai sót.