VIỆC LÀM CÓ Ý NGHĨA…
Việc làm có ý nghĩa…
Bài và ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU
Hằng tuần, vào sáng thứ sáu, chị em phụ nữ Bệnh viện Quân y 4, Cục Hậu cần Quân khu 4 tổ chức cắt tóc, gội đầu, xoa bóp, bấm huyệt, khâu vá quần áo… cho những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân nặng có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động “Đồng hành cùng bệnh nhân” do Hội phụ nữ Bệnh viện triển khai gần 4 năm nay. Những việc làm đó góp phần giúp các bệnh nhân yên tâm điều trị, ổn định sức khỏe về với gia đình và lan tỏa hình ảnh đẹp của người thầy thuốc quân y.
Đến khoa Ngoại chung (B3), chúng tôi gặp các thầy thuốc áo trắng tiến hành cắt tóc, gội đầu cho bà Hồ Thị Phong, 81 tuổi, quê ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An); bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp đã di căn đang điều trị tại đây. Nhìn đôi tay thoăn thoắt của các chị, người cắt tóc, người gội đầu, người nói chuyện động viên, thật ấm lòng. Sau 30 phút, bà Phong đã có mái tóc mới gọn gàng, sạch sẽ. Bà xúc động cho biết, đã đi điều trị bệnh nhiều nơi nhưng chưa có ở đâu như ở đây; quá trình điều trị các y bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo. Thật cảm ơn Hội phụ nữ của bệnh viện.
Bà Mai Thị Ngụ, 65 tuổi, quê ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bị gãy xương cánh tay phải, điều trị ở Khoa B1 - Chấn thương chỉnh hình. Được giúp gội đầu, xoa bóp bấm huyệt, bà vui và hài lòng, thêm tin tưởng, yên tâm điều trị. Ông Nguyễn Quốc Hoàn ở xã Diễn Ngọc, Diễn Châu (Nghệ An) bị tăng huyết áp, tăng lipid máu, đái tháo đường, điều trị ở Khoa A2 (Khoa tim mạch). Bệnh tật làm người đàn ông 62 tuổi thấy nản, nhưng khi được chị em phụ nữ của bệnh viện chăm sóc cá nhân và khâu vá quần áo, ông đã lấy lại được tinh thần.
Thiếu tá Trần Thị Minh Đức - Dược cao, Khoa C9, Chủ tịch Hội phụ nữ Bệnh viện Quân y 4 cho biết: Biết hoàn cảnh nhiều bệnh nhân điều trị tại bệnh viện rất khó khăn, nhất là những bệnh nhân nặng, nằm bất động tại giường, có người mắc bệnh hiểm nghèo, người già neo đơn… Ban chấp hành Hội phụ nữ đã phát động mô hình “Đồng hành cùng bệnh nhân”, với những việc làm thiết thực. Mới đầu, có nhiều ý kiến cho rằng việc chuyên môn làm không hết, việc vệ sinh cá nhân là của người nhà bệnh nhân… Nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích, chị em hiểu đây là việc làm có ý nghĩa, giúp bệnh nhân vơi bớt nỗi đau bệnh tật, yên tâm điều trị. Cho đến nay mô hình thực sự phát huy hiệu quả.
Đại tá Trần Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bệnh viện Quân y 4, nhận xét: Mô hình này của Hội phụ nữ không chỉ góp phần chia sẻ, xoa dịu nỗi đau bệnh tật, tạo niềm tin yêu, mà còn xây dựng mối đoàn kết gắn bó, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong chăm sóc người bệnh. Mặt khác, giúp bệnh viện hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn…
Bên cạnh mô hình này, Hội phụ nữ Bệnh viện còn có thêm “Bát cháo tình thương, bữa cơm nghĩa tình”; rồi “Buồng bệnh, buồng tiêm phụ nữ tự quản”… mang tính nhân văn sâu sắc và có sức lan tỏa lớn, cần được nhân rộng.