column_right getExtensions 1726711457-1726711457

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1726711457-1726711457

NHỮNG KHÁM PHÁ CÓ Ý NGHĨA XÃ HỘI TO LỚN

NHỮNG KHÁM PHÁ CÓ Ý NGHĨA XÃ HỘI TO LỚN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:02-08-2024

Nữ chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2023:
NHỮNG KHÁM PHÁ CÓ Ý NGHĨA XÃ HỘI TO LỚN

Claudia Goldin là người phụ nữ thứ 3 nhận giải Nobel kinh tế trong lịch sử 55 năm của giải thưởng này, tuy nhiên bà là người phụ nữ đầu tiên được trao giải thưởng này một mình.

"Những khám phá của bà Claudia Goldin có ý nghĩa xã hội to lớn"

Chiều ngày 9-10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Kinh tế năm 2023 thuộc về nhà kinh tế học người Mỹ Claudia Goldin, 77 tuổi, với công trình nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động.

"Người đoạt giải khoa học kinh tế năm nay, Claudia Goldin, đã cung cấp báo cáo toàn diện đầu tiên về thu nhập và sự tham gia thị trường lao động của phụ nữ qua nhiều thế kỷ. Bằng cách rà soát các kho lưu trữ, biên soạn và sửa chữa dữ liệu lịch sử, Goldin đã có thể đưa ra những sự thật mới và thường gây ngạc nhiên. Thực tế về những lựa chọn của phụ nữ thường bị giới hạn bởi hôn nhân và trách nhiệm với tổ ấm và gia đình là trọng tâm trong các phân tích và mô hình giải thích của bà", cơ quan trao giải cho biết.

Claudia Goldin nhận giải Nobel kinh tế năm 2023

Bất chấp nhiều thập kỷ tiến bộ, phụ nữ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong lực lượng lao động và kiếm được ít tiền hơn so với nam giới. Phân tích của Goldin về dữ liệu lực lượng lao động Mỹ trong hơn 200 năm cho thấy tỷ lệ việc làm và chênh lệch tiền lương theo giới không chỉ phụ thuộc vào nền kinh tế mà còn phụ thuộc vào các chuẩn mực xã hội đang phát triển liên quan đến giáo dục và vai trò của phụ nữ trong gia đình.

Trước đây, chênh lệch về lương theo giới có thể được giải thích bằng trình độ học vấn và nghề nghiệp. Song, Goldin đã chỉ ra rằng phần lớn chênh lệch về thu nhập hiện nay giữa nam giới và phụ nữ là ở trong cùng một công việc. Nữ giáo sư 77 tuổi nhận thấy phụ nữ bị ảnh hưởng đến thu nhập tức thì sau khi sinh đứa con đầu lòng, khi nhiều người buộc phải giảm bớt giờ làm hoặc bỏ qua các cơ hội thăng tiến vì phải đảm nhận phần việc chăm con tại nhà.

Ông Randi Hjalmarsson, thành viên Ủy ban giải Nobel Kinh tế, cho biết: "Những khám phá của bà Claudia Goldin có ý nghĩa xã hội to lớn. Cuối cùng thì bằng cách hiểu được vấn đề và gọi đúng tên của nó, chúng ta có thể mở ra một con đường tốt hơn ở phía trước".

“Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được bình đẳng giới cho đến khi chúng ta có được bình đẳng giữa các cặp đôi"

Bà Claudia Goldin là người phụ nữ đầu tiên được mời làm việc tại Khoa Kinh tế Harvard vào năm 1989. Cuốn sách "Understanding the Gender Gap: An Economic History of American Women" (tạm dịch: "Tìm hiểu khoảng cách giới: Lịch sử kinh tế của phụ nữ Mỹ") năm 1990 của Goldin là một nghiên cứu có ảnh hưởng lớn về nguồn gốc của bất bình đẳng tiền lương. Bà theo dõi các nghiên cứu về tác động của thuốc tránh thai với sự nghiệp và quyết định hôn nhân của phụ nữ, họ của phụ nữ sau khi kết hôn như một chỉ số xã hội và lý do tại sao phụ nữ hiện nay chiếm đa số trong tỷ lệ sinh viên đại học.

Trên khắp thế giới, mặc dù việc phân biệt đối xử dựa trên giới tính là bất hợp pháp nhưng phụ nữ vẫn phải đối mặt với vấn đề tiền lương thấp hơn đáng kể so với nam giới. Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew, phụ nữ ở Mỹ kiếm được trung bình 82% số tiền nam giới kiếm được trong năm 2022. Trong khi đó ở châu Âu, phụ nữ kiếm được trung bình ít hơn 13% mỗi giờ so với nam giới vào năm 2021, theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu.

Bà Claudia Goldin được trao giải Nobel kinh tế năm 2023 vì nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động.

Nghiên cứu của Goldin cho thấy rằng mặc dù đã có tiến bộ trong việc thu hẹp chênh lệch trong các thập kỷ qua nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy điều này sẽ được hoàn toàn xóa bỏ. Bà cho rằng khoảng cách này là do các yếu tố từ sự phân biệt đối xử đến các hiện tượng như "công việc tham lam", một cụm từ Goldin đặt ra để chỉ những công việc được trả nhiều tiền hơn một cách không tương xứng khi ai đó làm việc lâu hơn hoặc có ít quyền kiểm soát hơn với khoảng thời gian đó. Phụ nữ thường đảm nhận phần lớn trách nhiệm chăm sóc và do đó cần những công việc linh hoạt để giúp họ thoát khỏi những "công việc tham lam" trên. "Đàn ông thường quên mất thời gian dành cho gia đình và phụ nữ thường quên đi sự nghiệp của mình", Goldin nói với blog Social Science Bites vào năm ngoái.

Goldin cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng bà hy vọng mọi người sẽ hiểu được tầm quan trọng của những thay đổi dài hạn đối với sự hiểu biết về thị trường lao động thông qua công trình của bà. “Chúng ta nhìn thấy dư lượng từ lịch sử xung quanh mình", bà nói, đồng thời giải thích rằng cấu trúc xã hội và gia đình mà phụ nữ và đàn ông lớn lên sẽ hình thành nên hành vi và kết quả kinh tế của họ.

“Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được bình đẳng giới cho đến khi chúng ta có được bình đẳng giữa các cặp đôi. Mặc dù đã có “thay đổi đáng kể nhưng đồng thời cũng có những chênh lệch quan trọng”, thường liên quan đến chuyện phụ nữ phải làm nhiều việc nhà hơn", bà khẳng định.

Claudia Goldin trong đời thường

Claudia Goldin là người phụ nữ thứ 3 nhận giải Nobel kinh tế trong lịch sử 55 năm của giải thưởng này, tuy nhiên bà là người phụ nữ đầu tiên được trao giải thưởng này một mình.

Trước đó, 2 người phụ nữ đều nhận giải Nobel Kinh tế chung với đồng nghiệp nam. Người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel Kinh tế là GS. Elinor Ostrom, người đã qua đời năm 2012. Bà cùng chia sẻ giải Nobel Kinh tế năm 2009 với giáo sư kinh tế học vi mô người Mỹ Oliver E. Williamson nhờ các nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị kinh tế. Người phụ nữ thứ hai là bà Esther Duflo, mang hai quốc tịch Pháp - Mỹ; bà nhận giải Nobel Kinh tế năm 2019 cùng ông Abhijit Banerjee và Michael Kremer với nghiên cứu về giảm nghèo.

Kim Ngọc (Tổng hợp)
(Nguồn: PNVN)

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:6
Trong ngày:1112
Trong tuần:3399
Trong tháng:5939
Cả năm:5939
Tổng lượt xem:5939