column_right getExtensions 1732368540-1732368540

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732368540-1732368540

LÒNG YÊU NƯỚC VÔ BỜ BẾN…

LÒNG YÊU NƯỚC VÔ BỜ BẾN…

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:19-03-2024

Lòng yêu nước vô bờ bến…

Nguyễn Văn Toàn

Trong báo cáo tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước…”. Trải qua các thời kỳ lịch sử, lòng yêu nước của Phụ nữ Việt Nam cũng luôn bỏng cháy, không kém bất kỳ giai tầng nào trong xã hội. Họ thể hiện lòng yêu nước của mình mọi lúc, mọi nơi; khi công khai, lúc lặng thầm; bằng những việc làm cụ thể, đóng góp máu xương, sức lực, tài sản để đất nước đơm hoa độc lập, kết trái tự do, ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung ương Hội LHPN Việt Nam ở Việt Bắc (2-1949)

Ngay sau ngày nước nhà độc lập, chính quyền cách mạng phải đối phó với muôn vàn thử thách, thù trong, giặc ngoài. Nạn đói vẫn hoành hành. Hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội phát triển. Ngân khố Nhà nước trống rỗng... Tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Đảng và Chính phủ đã dựa vào dân và khơi dậy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày 4-9-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 04 thành lập “Quỹ Độc lập”. Sắc lệnh nêu rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia”. Trong khuôn khổ “Quỹ Độc lập”, Chính phủ tổ chức “Tuần lễ Vàng” từ ngày 17-9 đến 24-9-1945, kêu gọi sự ủng hộ của toàn dân. Tại đó, những người phụ nữ đã dốc vốn liếng, tài sản chắt bóp được hiến cho cách mạng để có nguồn lực bảo vệ nền độc lập non trẻ và kiến tạo tương lai cho đất nước. Trong số 2.293 kg vàng (59.618 lạng vàng) nhân dân cả nước ủng hộ, có những câu chuyện cảm động kể về tấm lòng yêu nước của những người phụ nữ.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang (Hà Nội) kể lại: “Vợ chồng tôi cảm kích trước bức thư của Cụ Hồ gửi đồng bào cả nước khi Cụ nói về trách nhiệm của người dân trước quốc gia non trẻ nên ngay trong ngày đầu tiên vợ chồng tôi đã ủng hộ 117 lạng vàng... Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất”. Tổng cộng, vợ chồng bà đã ủng hộ Chính phủ 5.147 lạng vàng. Ghi nhận hành động đó, Đảng và Nhà nước đã truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho ông bà Trịnh Văn Bô.

Bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn tơ lụa Lợi Quyền (Hà Nội) đóng góp 109 lạng vàng. Ngày 10-11-1945, Hội phụ nữ tổ chức “Ngày phụ nữ ủng hộ Nam bộ kháng chiến” và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự, Người mang theo tấm huy chương bằng vàng hình ngôi sao năm cánh, giữa có chữ V.M tặng bà. Người đánh giá: “Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ ông Nguyễn Sơn Hà, chủ hãng sơn Gecko (Hà Nội) đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) cân được 10,5kg trong “Tuần lễ Vàng”. Bà Nguyễn Thị Lãm, vợ ông Nguyễn Hữu Nhâm, chủ hiệu vải Tam Kỳ đã đem 300 lạng vàng đóng góp. Vợ chồng bà Trịnh Thị Điền, chủ cửa hàng buôn bán tơ lụa tại 54 Hàng Gai, Hà Nội ủng hộ 10 vạn đồng (trị giá 4kg vàng) vào “Quỹ Độc lập” và 100 lạng vàng trong “Tuần lễ Vàng”. Tại Huế, Cựu Hoàng hậu Nam Phương (vợ vua Bảo Đại mới thoái vị) là người đầu tiên tháo toàn bộ kiềng vàng, bông tai, xuyến… đeo trên người ra quyên góp giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt của dân chúng. Bà Nam Phương được mời làm chủ tọa “Tuần lễ Vàng” tại Huế. Từ nghĩa cử của bà Nam Phương, làn sóng ủng hộ lan rộng ra khắp các tầng lớp dân chúng cố đô. Thành phố Huế thu được 945 lạng vàng. Ở Bình Thuận, bà Nguyễn Thị Thềm, dòng dõi vua Chăm, đã hiến chiếc mão của vua và dĩa đựng trầu cau bằng vàng tổ tiên để lại. Bà Dương Thị Lịch ở Sông Cầu (Phú Yên) có tên thật là Paulette Jovanic (người Ý, quốc tịch Pháp) đã ủng hộ Chính phủ 2 lạng vàng. Ở Đắk Lắk, bà H’Lay, người Êđê đã hiến 5 chỉ vàng.

Từ tấm lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân, trong đó có những người phụ nữ đi đầu hiến tặng tài sản quý giá cho cách mạng, Chính phủ đã có nguồn ngân sách đầu tiên để khởi động công cuộc xây dựng chế độ mới và vững vàng dẫn dắt nhân dân cả nước bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ với kẻ thù xâm lược nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) cả nước đã có 980.000 phụ nữ tham gia du kích. Trong đó có 12 nữ du kích được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), tiêu biểu như: Hồ Thị Bi, Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu... Ở vùng tự do, phụ nữ tham gia dân công đã đóng góp 9.578.000 ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, súng đạn cho 18 chiến dịch, riêng Chiến dịch Điện Biên Phủ là 2.381.000 ngày công.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, phụ nữ miền Nam đã lập được nhiều chiến công. Ra đời từ phong trào Đồng khởi ở Bến Tre (1960), “Đội quân tóc dài” phát triển khắp miền Nam và có nhiều đóng góp quan trọng. Các nữ anh hùng, nữ dũng sĩ miền Nam đã đánh giặc bằng các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, tiêu diệt và tiêu hao nhiêu sinh lực địch. Tiêu biểu là các anh hùng Nguyễn Thị Út, Tạ Thị Kiều, Kan Lịch; các nữ liệt sĩ Tô Thị Huỳnh, Lê Thị Hồng Gấm, Trần Thị Tâm...

Ở miền Bắc, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ đã trở thành một trong những biểu tượng cao nhất của phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện khẩu hiệu “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng”, phụ nữ miền Bắc đã tham gia lực lượng dân quân tự vệ, chiến đấu ở khắp mọi nơi. Có 20 đơn vị nữ dân quân tự vệ đã độc lập tác chiến bắn rơi 28 máy bay Mỹ. Ba đơn vị được tuyên dương Anh hùng LLVTND là trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; tiểu đội nữ dân quân xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; đại đội nữ pháo binh xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 1965, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) thành lập với nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên các tuyến đường huyết mạch. Hơn 6 vạn nữ TNXP tham gia mở đường, san lấp hố bom tại các trọng điểm đánh phá ác liệt như cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), phà Bến Thủy (Nghệ An), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)...

Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV (30-12-1966)

Ngày 9-3-1961, nói chuyện tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Ghi nhận tấm lòng yêu nước, lòng quả cảm và ý chí chiến đấu của các nữ chiến sĩ, nhiều lần Bác đã ngợi khen. Bác làm thơ khen tặng 11 cô gái sông Hương: “Dõng dạc trong tay khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh ngợi khen: “Phó tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Đánh giá cao Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng 12 chữ vàng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”. Người cũng tặng phụ nữ miền Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, thời nào cũng xuất hiện những nữ trung hào kiệt. Họ tiêu biểu cho lòng yêu nước, tinh thần cống hiến quên mình cho dân tộc. Đó mãi là niềm tự hào của Phụ nữ Việt Nam. Noi gương tiền nhân, thực thi trách nhiệm, với lòng yêu nước trong tim, thế hệ phụ nữ ngày nay, nhất là phụ nữ Quân đội cần tiếp tục tu dưỡng, học tập, cống hiến, thể hiện trong quá trình thực hiện các công việc cụ thể, hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, xứng đáng với thế hệ đi trước, với lòng tin yêu của Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu.

BÀI VIẾT NỔI BẬT